Để ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh cho người từ sản phẩm thủy sản, đáp ứng yêu cầu sản xuất và thị hiếu người tiêu dùng, một số nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng những mô hình sản xuất thủy sản sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy sản đến công đoạn thu mua, bảo quản nguyên liệu thủy sản, chế biến thủy sản và tiêu thụ sản phẩm.
Tại khu công nghiệp Kim Trung (Kim Sơn), một số hộ nuôi thủy sản đã triển khai, thực hiện thành công mô hình nuôi thả tôm thẻ chân trắng, một trong những con nuôi chủ lực ở vùng bãi bồi ven biển. Đây là mô hình nuôi thả công nghiệp sạch, mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để nuôi thành công tôm thẻ chân trắng, người nuôi thả phải đảm bảo nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn con giống, bố trí mặt bằng ao nuôi, dọn vệ sinh ao nuôi, xử lý nước, chăm sóc, quản lý và thu hoạch.
Khu công nghiệp Kim Trung có 70 ha, trong đó mặt nước nuôi trồng thủy sản trên 43 ha, đã có 6 ha được đưa vào nuôi thả tôm thẻ chân trắng. Tôm thẻ chân trắng là loại con nuôi cao sản, có giá trị kinh tế cao. Tôm được nuôi điều kiện đảm bảo, sinh trưởng, có giá trị kinh tế cao. Tôm được nuôi trong điều kiện đảm bảo, sinh trưởng và phát triển nhanh, mỗi vụ nuôi trung bình từ 2,5 đến 3 tháng. Tôm cho năng suất cao hơn so với loại hình quảng canh khác, đạt từ 6-8 tấn/ha. Khi thu hoạch, trọng lượng từ 30 - 60 con/kg. Tôm thẻ chân trắng có ưu điểm là vỏ mềm, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Giá bán tôm thẻ chân trắng cao hơn các loại khác vì sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sạch bệnh của doanh nghiệp Vũ Ngữ tại Khu công nghiệp Kim Trung, chúng tôi nhận thấy: Mô hình này được thực hiện trên diện tích 2 ha, với vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng và đây là vụ thứ 2 doanh nghiệp triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng.
Qua trao đổi với chủ doanh nghiệp được biết, tôm thẻ chân trắng đưa vào vùng bãi bồi rất phù hợp nếu người nuôi tuân thủ đúng các quy trình, điều kiện nuôi như ao đầm nuôi, bờ chặt phẳng, có độ dốc, xung quanh có lưới bảo vệ chống chim, chống nguồn bệnh từ bên ngoài vào ao, hệ thống sục khí, quạt nước trang bị đầy đủ, dùng các phương pháp vi sinh để xử lý hóa chất, độc tốc, ký sinh trùng gây bệnh trong nước, chọn con giống đạt yêu cầu, khâu chăm sóc phải chú ý khẩu phần ăn hợp lý, không thừa, không thiếu...
Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của Trạm kiểm dịch thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh), qua vụ 1, tôm thẻ chân trắng của doanh nghiệp đã cho năng suất, sản lượng, giá trị cao, tiêu thụ nhanh, lợi nhuận tăng 30% so với các con nuôi theo phương pháp khác. Mặc dù mang lại hiệu quả rõ rệt, nhưng để đầu tư, nhân rộng mô hình này không dễ vì các doanh nghiệp, cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản ở đây đều đang gặp khó khăn về nguồn vốn, con giống, thức ăn, hệ thống điện...
Vùng bãi bồi ven biển của huyện Kim Sơn hiện có trên 3 nghìn hộ dân nuôi thả thủy sản nước lợ (gồm tôm và cua), với diện tích trên 2.000 ha thuộc khu vực trong và ngoài đê Bình Minh II. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng sạch bệnh chưa được phát triển nhiều, chủ yếu vẫn là việc nuôi quảng canh và theo các hình thức khác.
Muốn có thương hiệu sản phẩm thủy sản sạch cung cấp cho thị trường, cần phải có sự đồng bộ ở tất cả các khâu. Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay ở các cơ sở thu mua chính, các hộ gom nhỏ lẻ vùng bãi bồi đã có đầy đủ các điều kiện hành nghề, thu gom thủy sản đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm như khu sản xuất nước đá bảo quản thủy sản, khu nhà xưởng tập kết thủy sản, phương tiện phục vụ vận chuyển, sản phẩm được bảo quản tươi sống cấp đến người tiêu dùng, không còn tình trạng thủy sản phải ướp lạnh, lưu kho nhiều ngày mới xuất bán...
Tuy nhiên, một số cơ sở thu mua tại vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn vẫn còn tình trạng không đảm bảo vệ sinh khu vực. Ngoài ra, khâu quan trọng cần được đặc biệt quan tâm đó là hoạt động của các cơ sở dịch vụ cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y. Ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh theo quy định.
Bài, ảnh: Hoàng Tâm