Bà Đặng Thị Thơm, Giám đốc HTX cho biết: Hơn 10 năm trước đây, nhân dân trong vùng dựa vào nghề nông là chính. Các ngành nghề khác tuy có phát triển song quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng vậy. Tại địa phương đã có một số cá nhân, hộ gia đình làm hàng thủ công để kiếm thêm thu nhập, song quy mô nhỏ lẻ, phải phụ thuộc vào các đầu mối ở địa phương khác.
Nhận thấy tình hình thực tế địa phương có nguồn lao động dồi dào, lại nằm ở trung tâm huyện nên vấn đề dạy nghề, tạo việc làm nhằm tăng thu nhập cho bà con là rất cần thiết. Hơn nữa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như đan bẹ chuối, bèo bồng, cói, mây giang... là hàng xuất khẩu được ưa chuộng, nguồn nguyên liệu lại dễ tìm kiếm, kỹ thuật sản xuất cũng không quá phức tạp...
Với mong muốn gắn kết lao động là các cá nhân, hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp thành một khối sản xuất hàng hóa chung để cùng phát triển, cùng bảo vệ quyền và lợi ích lẫn nhau... nên chúng tôi đồng tâm, đồng lòng thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Ngọc Hiển.
Để giúp bà con tiếp cận với nghề một cách nhanh và hiệu quả nhất, Ban quản trị HTX đã chủ động tìm kiếm sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, huyện. Thông qua các chương trình dạy nghề của Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển tỉnh trước đây (nay là Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại) đã hỗ trợ kinh phí giúp HTX mở 5 lớp dạy nghề cho 250 học viên là phụ nữ.
Bên cạnh đó, HTX cũng phối hợp với chính quyền địa phương mở thêm các lớp dạy nghề đan bèo bồng xuất khẩu và đan bẹ chuối cho xã viên. Những lớp học đó đã đem lại hiệu quả lớn. Đối với HTX là việc cung cấp nguồn lao động dồi dào đã qua đào tạo; đối với chính quyền địa phương là động lực giúp giải quyết vấn đề việc làm cho lao động địa phương. Và đối với chính người lao động là có thêm ngành nghề cho thu nhập, giúp ổn định đời sống hộ gia đình.
Thực tế cho thấy, đối tượng lao động nông thôn thường rơi vào tình trạng thất nghiệp tạm thời khi mùa vụ đã hoàn tất. Khi đó, đàn ông thường tìm thêm những công việc khác như làm thợ xây, lái xe... yêu cầu cao về sức khỏe. Phụ nữ không đáp ứng được yêu cầu về thể lực nên khó khăn trong việc tìm kiếm nghề phụ.
Chính vì vậy, phát triển ngành nghề trong thời gian nông nhàn cho đối tượng này là vấn đề cần thiết, một bài toán nan giải, khó tìm ra đáp án của nhiều địa phương và của chính lao động nông thôn. Bởi vậy, việc HTX Ngọc Hiển phát triển được ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động địa phương là một việc làm thiết thực, có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và xã hội.
Được biết, HTX còn phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho trẻ lang thang, cơ nhỡ. Sau khi học nghề, các em được HTX tiếp nhận vào làm việc, có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Do không ngừng đổi mới mẫu mã, đáp ứng yêu cầu của khách hàng nên thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX ngày càng mở rộng, chủ yếu xuất khẩu sang các nước Đông Âu, châu á... Bình quân thu nhập của xã viên đạt từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm cho 500 lao động thời vụ với mức thu nhập gần 1 triệu đồng/người/tháng.
Thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX Ngọc Hiển đứng trước một thách thức mới. Hội đồng quản trị của HTX xác định mục tiêu, việc chuyển đổi phải được thực hiện một cách quy củ, kỹ lưỡng và toàn diện, tránh tư tưởng "Bình mới, rượu cũ". Bên cạnh việc nghiên cứu, phát huy những ưu điểm, lợi thế và kết quả đã đạt được của HTX trong giai đoạn trước để xác định hướng đi cho HTX kiểu mới, theo tôn chỉ "Vì thành viên phục vụ".
Xác định phát triển theo hướng HTX đa ngành nghề, thời gian qua, HTX đã mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như: gia công các sản phẩm may mặc, cơ khí, trang trí nội thất.
Đại diện Hội đồng quản trị HTX Ngọc Hiển cho biết: HTX đã tập trung đổi mới việc quản lý điều hành sát với tình hình thực tế thông qua việc nghiên cứu xu thế của thị trường tiêu thụ; các khoản tài chính được quản lý chặt chẽ trên cơ sở công khai, minh bạch và dân chủ.
Cùng với đó là việc mở rộng ngành nghề phù hợp nên hiệu quả kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy định hướng phát triển đa ngành nghề, song HTX luôn chú trọng vào chất lượng, hiệu quả của mỗi ngành nghề.
Nhờ đó, hiện nay HTX thành công trong các lĩnh vực sản xuất: vừa tạo ra các sản phẩm từ nguyên liệu cói, bèo bồng, mây, tre, nứa không những đa dạng về chủng loại và mẫu mã mà còn mở rộng phát triển nguyên liệu mới; nguồn hàng gia công may mặc tương đối ổn định, số lượng đơn hàng ngày càng nhiều và lớn; cùng với đó là lượng khách hàng thuê trang trí nội thất ngày càng nhiều. Bởi vậy, doanh thu của HTX không ngừng tăng lên, năm 2015 là 1,4 tỷ đồng, năm 2016 là 1,8 tỷ đồng..
Tuy đã đạt những thành công nhất định nhưng quy mô sản xuất, kinh doanh của HTX còn nhỏ; cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu và đặc biệt là thiếu nguồn vốn để mở rộng đầu tư, nâng cấp...
Thiết nghĩ, để phát triển bền vững, HTX Ngọc Hiển cần tập trung phát huy nội lực, chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khai thác thị trường mới.
Trên cơ sở đó, cần tập trung xây dựng chiến lược và có những phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp trong từng giai đoạn nhằm khai thác có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Trung ương và địa phương để tập trung phát triển ổn định và vững chắc.
Thái Học