Ông Trịnh Duy Tân, Giám đốc HTX Tân Tiến, xã Kim Mỹ (Kim Sơn) là người chăn nuôi lâu năm, sau khi được tham gia tuyên truyền Luật HTX năm 2012, ông đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm với mục đích liên kết các hộ chăn nuôi lại với nhau để tạo ra sự ổn định và phát triển lâu dài. HTX Tân Tiến chính thức được thành lập từ tháng 10 năm 2014, khởi đầu với 28 thành viên. Đến nay đã phát triển lên 40 thành viên, là các hộ chăn nuôi lợn tại địa bàn 5 xã: Kim Mỹ, Văn Hải, Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Hải.
Tham gia HTX, các thành viên yên tâm hơn trong chăn nuôi bởi sự chia sẻ từ các thành viên khác về kỹ thuật, kinh nghiệm, xây dựng trang trại, mua sắm cơ sở vật chất; cũng như trong việc chọn cám, thuốc thú y để chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc HTX Sinh Dược, xã Gia Sinh (Gia Viễn) khẳng định: Thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh nổi tiếng nhờ những loài cây thuốc dùng để bài chế ra các bài thuốc thảo dược quý đã được khai thác từ thời nhà Lý.
Vùng đồi núi Sinh Dược hiện vẫn còn nhiều cây thuốc quý như: Bình vôi, Ngành ngạnh, Hoài sơn, Khúc khắc, Bòn bọt, Hà thủ ô, Hy thiêm thảo, Bố chính sâm... và được nhân dân lưu truyền và phát triển dưới hình thức nhỏ lẻ, manh mún, không phát huy được nghề truyền thống.
Được sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh, đầu năm 2014 HTX Sinh Dược Gia Sinh được thành lập với 10 thành viên và vốn điều lệ ban đầu 200 triệu đồng.
Từ nay đến năm 2019, HTX đề ra mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu, nâng công suất tiêu thụ thảo dược lên đến 10.000 tấn/năm. Cái khó lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề về vốn và vùng nguyên liệu vì HTX không chủ động được nguồn nguyên liệu tại địa phương, trong khi nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 29 HTX chuyên ngành đang hoạt động, trong đó có 25 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm: 12 HTX trồng trọt, 3 HTX chăn nuôi, 7 HTX thủy sản, 3 HTX sản xuất tổng hợp.
Hầu hết các HTX trên đều được thành lập từ năm 2013, sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực nên bộ máy gọn nhẹ thường chỉ có Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT và kế toán có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Quy mô thường nhỏ, gọn (10-20 thành viên) trong phạm vi thôn, liên thôn; xã, liên xã. Lao động sử dụng trong các HTX chuyên ngành chủ yếu là lao động gia đình của các thành viên. Trụ sở và tài sản chung của HTX hầu hết không có, chủ yếu sử dụng nhà và tài sản của các thành viên trong HTX.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX chuyên ngành tập trung vào từng lĩnh vực trong nông nghiệp và thường lựa chọn một số loại sản phẩm chính như: Trồng rau, trồng nấm, nuôi lợn, phát triển kinh tế trang trại, thủy sản và thực hiện nhiều khâu dịch vụ, nhất là thủy lợi, khuyến nông, giống, vật tư...
Các HTX đã phát huy vai trò tập hợp, vận động nông dân tham gia, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm và ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo động lực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đến nay, có 9/25 HTX, gồm: các HTX nấm Nhật Minh, Vân Quyên, Yên Nhân, Khánh Vân, Yên Khánh, Gia Tường; HTX rau Khánh Thành, HTX trang trại Phú Long... đã tổ chức liên kết với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng... để tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành 3 tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới là thủy lợi, thu nhập và hình thức tổ chức sản xuất.
Doanh thu của mỗi HTX chuyên ngành đạt bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm; nhiều HTX có doanh thu cao: HTX trang trại Phú Long doanh thu 3 tỷ đồng/năm; HTX nấm Gia Tường, nấm Nhật Minh, chăn nuôi Phúc Tiến, rau Yên Lộc... là những đơn vị có doanh thu hàng năm cao.
Lợi nhuận bình quân của các HTX từ 300 - 400 triệu đồng/năm và có 13/25 HTX sản xuất, kinh doanh có lãi với lợi nhuận từ hàng trăm triệu đồng/năm đến gần 2 tỷ đồng/năm như: HTX trang trại Phú Long (huyện Nho Quan), HTX nấm Khánh Vân (Yên Khánh); HTX rau Yên Lộc, HTX khai thác thủy sản Kim Chính (Kim Sơn), HTX nấm Nhật Minh (Yên Mô)...
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn như: Quy mô nhỏ, không có trụ sở và cơ sở vật chất, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ chung còn ít, hoạt động tài chính còn yếu, chính sách hỗ trợ chưa có nhiều... nhưng hoạt động của các HTX chuyên ngành là một hướng đi mới của khu vực kinh tế tập thể mà các cấp, các ngành cần quan tâm hỗ trợ, phát triển.
Đinh Chúc