Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bệnh viện Phụ sản Trung ương; đại diện Hội LHPN tỉnh các tỉnh: Ninh Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên; Trung tâm phòng, chống AIDS Ninh Bình; các thành viên nhóm, CLB đồng cảm 1 số tỉnh miền Bắc và miền Trung. Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo về tình hình lây truyền HIV từ mẹ sang con và các can thiệp/dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con (DPLTMC) hiện có ở Việt Nam-những khó khăn, thách thức; Hiệu quả và lợi ích của việc tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị DPLTMC; Kinh nghiệm tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị DPLTMC; Chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn trong tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi người có H đến với dịch vụ DPLTMC; Chia sẻ kinh nghiệm từ phụ nữ có H đã điều trị dự phòng thành công; Các giải pháp nhằm thúc đẩy các hoạt động can thiệp DPLTMC; Vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận với các dịch vụ DPLTMC; Mong muốn, nhu cầu của phụ nữ mang thai, phụ nữ có HIV.
Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề: Những khó khăn, rào cản trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp DPLTMC hiện nay; vai trò, trách nhiệm tham gia của các ngành trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đến đâu, vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong công tác này, hiệu quả phối hợp giữa ngành Y tế và Hội phụ nữ các cấp trong công tác DPLTMC; các giải pháp, sáng kiến cụ thể để thúc đẩy các hoạt động can thiệp DPLTMC.
Qua hội thảo nhằm giúp Hội phụ nữ các cấp và các ngành liên quan, đặc biệt là ngành Y tế có cơ sở để đưa ra những hành động, can thiệp cụ thể nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong thời gian tới, tạo cơ hội cho ngày càng nhiều phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tiếp cận sớm với các dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền mẹ con, nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015.
Hồng Vân