Dự hội thảo có ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO; ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; các đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội đến từ Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO; đại biểu đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO của các nước Đông Nam Á, các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản; đại biểu các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, công viên địa chất toàn cầu, các ban, các trung tâm quản lý di sản văn hóa thiên nhiên thế giới tại Việt Nam.
Về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Tiến Dũng, TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: Qua quá trình phát triển, Công ước Di sản thế giới (Công ước 1972) đã chứng tỏ là một trong những Công ước quốc tế có dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa thiên nhiên.
40 năm qua, Công ước đã và đang ngày càng phát triển, hoàn thiện và phản ánh nhu cầu to lớn của nhiều khu di sản khác nhau trong việc gắn kết công tác bảo tồn di sản văn hóa thiên nhiên với nhu cầu phát triển của cộng đồng dân cư liên quan.
Năm 2012 là năm đánh dấu 25 năm Công ước được thực thi ở Việt Nam. Trong thời gian đó, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của nhân loại
Ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO lưu ý các đại biểu: Bên cạnh những thành tựu đạt được, Công ước hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như vấn đề bùng nổ dân số, suy giảm nguồn lực tài chính, biến đổi khí hậu...
Một trong những thách thức lớn nhất của Công ước là việc giải quyết những vấn đề tiềm ẩn giữa nhu cầu bảo tồn di sản và nguyện vọng của các cộng đồng địa phương liên quan.
Chính vì thế, các quốc gia thành viên Công ước đã lựa chọn chủ đề của lễ kỷ niệm 40 năm Công ước Di sản thế giới là "Di sản thế giới và phát triển bền vững: vai trò của cộng đồng địa phương", chú trọng tới việc bảo vệ, khai thác giá trị di sản phải gắn với lợi ích, vai trò của cộng đồng dân cư địa phương.
Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO mong muốn các đại biểu phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận để hội thảo đạt kết quả cao.
Đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu chào mừng các đại biểu tham gia hội thảo. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong những năm qua, cùng với phát triển về kinh tế - xã hội, ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên của chính quyền và nhân dân Ninh Bình cũng được nâng lên rõ rệt.
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, đề ra nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên của địa phương.
Đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của tỉnh để chúng trường tồn với thời gian và lịch sử.
15 tham luận tại hội thảo của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn đến từ các quốc gia trong khu vực tập trung vào một số vấn đề lớn: Công ước Di sản thế giới với phát triển bền vững và sự tham gia của cộng đồng; sự gắn kết Công ước 1972 với chương trình con người và sinh quyển; chia sẻ thực tế quản lý di sản: Những cơ hội và thách thức.
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu, các nhà lãnh đạo, các nhà chuyên môn thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và những kết quả thực tiễn mà mỗi quốc gia trong khu vực đã đạt được thời gian qua, từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể về việc hợp tác phát triển và khai thác tiềm năng, giá trị của các khu di sản, sinh quyển hay công viên địa chất trong thời gian tới.
Quỳnh Thu