Bộ luật hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21-12-1999 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2000). Từ khi ra đời đến nay, Bộ luật hình sự (BLHS) là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận về những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn thi hành BLHS năm 1999; đồng thời, kiến nghị sửa đổi BLHS mới dựa trên 6 định hướng cơ bản: Thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Nghiên cứu nội luật hóa những quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Sửa đổi các quy định của BLHS liên quan đến các tội phạm tham nhũng nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và yêu cầu thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng.
Hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của BLHS; đảm bảo tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa phần chung và phần các tội phạm cụ thể của BLHS và giữa BLHS với các luật khác.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà các Bộ, Ban, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác triển khai thi hành BLHS năm 1999.
Đồng chí nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, các giải pháp sửa đổi, bảo đảm BLHS sửa đổi lần này phải mang tính đổi mới cơ bản, toàn diện, có tính minh bạch và tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xu thế chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam; phù hợp với Hiến pháp 2013, nhất là những quy định về bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ với các quy định trong hệ thống pháp luật; và phải mang tính hiện đại, tính dự báo cao, phù hợp với xu hướng phát triển chung của quốc tế và thời đại.
Kiều Ân-Đức Lam