6 tháng đầu năm 2016, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương.
Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 31/33 nhiệm vụ, đạt gần 94%); một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao.
Việc xây dựng, hoàn thiện các VBQPPL tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, nhất là với các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, qua đó từng bước giảm thiểu có hiệu quả tình trạng "nợ đọng" văn bản; việc thẩm định VBQPPL, nhất là các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tiến độ để các Bộ, ngành trình Chính phủ; việc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, góp ý các VBQPPL được thực hiện tốt; công tác PBGDPL, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn Ngành tập trung đẩy mạnh; thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn cùng kỳ 2015, đã giải quyết xong hơn 296.000 việc và gần 14.100 tỉ đồng; công tác hành chính tư pháp, nhất là triển khai Luật hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân...
Tại Ninh Bình, 6 tháng đầu năm Sở tư pháp đã xây dựng chương trình công tác cụ thể xác định rõ những nhiệm vụ và lộ trình thực hiện công tác, do đó đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra.
Nổi bật là đã quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đến từng đơn vị và cá nhân công chức, viên chức; phối hợp với các Sở, ban, ngành soạn thảo dự thảo văn bản quản lý pháp luật bảo đảm chất lượng và tiến độ theo Chương trình của UBND tỉnh ban hành; khẳng định được vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác rà soát, tự kiểm tra văn bản theo thẩm quyền ở địa phương; tích cực phổ biến Luật bầu cử với các hình thức đa dạng góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch đã thực hiện theo phân cấp và dần ổn định, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp được đẩy nhanh tiến độ so với thời gian cùng kỳ năm trước.
Trong theo dõi thi hành pháp luật, đã xây dựng được kế hoạch triển khai thi hành các Bộ luật và Luật mới được Quốc hội thông qua. Thực hiện tốt công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
Quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp duy trì được sự ổn định trong hoạt động của các lĩnh vực; tăng cường trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở; 6 tháng đầu năm đã thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho 55 người với 55 vụ việc; tổ chức 14 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại 14 xã , phường thuộc 7 huyện, thành phố chủ yếu trợ giúp, tư vấn pháp luật về bầu cử, kịp thời giải đáp các thắc mắc cho 135 cử tri có yêu cầu...
Kết luận hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu 6 tháng cuối năm, ngành Tư pháp cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tập trung xây dựng dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); triển khai có hiệu quả các luật sửa đổi mới ban hành; thực hiện các nhóm giải pháp cải cách tư pháp; thường xuyên kiểm tra việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư kinh doanh, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản…
Kiều Ân - Đức Lam