Năm 2013, do thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 1,8% (từ 9,6% năm 2012 xuống còn khoảng 7,8% năm 2013). Ở Ninh Bình, thực hiện Nghị quyết số 80 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020, trong giai đoạn 2011-2013 đã có gần 14.900 lượt người nghèo được vay vốn ưu đãi với số tiền gần 219 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đối tượng là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay tín dụng, người nghèo có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, người nghèo có nhu cầu làm nhà ở… được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi.
Cũng trong giai đoạn này, các cơ sở và doanh nghiệp đào tạo nghề đã đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động nghèo với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện tốt việc hỗ trợ về y tế, giáo dục-đào tạo, hỗ trợ nhà ở và công trình nước sinh hoạt cho người nghèo.
Thực hiện Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (Dự án 2) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2012-1015, tỉnh thực hiện dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và xã biên giới, thôn đặc biệt khó khăn. Đã có 30 công trình được đầu tư với tổng kinh phí đầu tư trên 81 tỷ đồng.
Trong 3 năm (2011-2013), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 12,39% cuối năm 2010 xuống còn 7,63% cuối năm 2012 và đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 5,54%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban chỉ đạo TW về giảm nghèo bền vững nhấn mạnh: Thời gian tới, cần tập trung giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn. Định hướng giảm nghèo vẫn phải làm toàn diện, trong đó tập trung hơn cho những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Cơ chế chính sách phải gom gọn lại cho dễ thực hiện, đồng thời khi nghiên cứu phải cân đối được nguồn lực.
Phải thực hiện phân loại đối tượng nghèo để có giải pháp cụ thể, phù hợp. Chính sách giảm nghèo phải thiết kế theo hướng đa chiều, chính sách phải thúc đẩy đối tượng vươn lên thoát nghèo, hạn chế sự ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng.
Cần mở rộng chính sách cho hộ cận nghèo. Trong chính sách có sự ưu tiên cho từng đối tượng nhằm khuyến khích họ vươn lên. Cần chủ động cân đối nguồn lực ngay từ khi thiết kế chính sách.
Trong tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ triển khai rà soát lại các chính sách để ban hành cho phù hợp, thường xuyên theo dõi ở địa phương để có sự điều chỉnh. Các địa phương cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu thành kế hoạch cụ thể. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của các đối tượng.
Phát biểu sau kết thúc hội nghị trực tuyến, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Ninh Bình cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp của trung ương, sự chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng cũng như nhiệm của tỉnh. Đồng chí giao Sở LĐ,TB&XH rà soát lại các chính sách giảm nghèo riêng của tỉnh để có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp, hiệu quả.
Đào Hằng