Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; thủ trưởng một số sở, ngành liên quan.
Theo kế hoạch của tỉnh, Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt được tổ chức vào tối ngày 24/4/2018 (tức ngày mùng 9 tháng 3 năm Mậu Tuất), tại sân Lễ hội, Khu Di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Mục đích của Lễ Kỷ niệm nhằm khẳng định, tôn vinh vai trò, vị thế, ý nghĩa lịch sử to lớn, quan trọng của sự kiện ra đời Nhà nước Đại Cồ Việt; vai trò của Vua Đinh Tiên Hoàng, kinh đô Hoa Lư trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Thể hiện được niềm tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng vươn lên của người dân Ninh Bình nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, trong quá trình hội nhập và phát triển quốc tế.
Đồng thờiđây cũng là dịp giới thiệu tới bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng kinh tế, xã hội, bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử cũng như tinh hoa nghệ thuật biểu diễn độc đáo của vùng đất Cố đô Hoa Lư; chọn lọc tiếp thu ứng dụng kỹ thuật và sáng tạo hiện đại, kết hợp với bản sắc và tinh hoa văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đời sống văn hóa nghệ thuật và du lịch của tỉnh Ninh Bình lên tầm vóc mới.
Từ đó nâng cao niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của người dân đối với các giá trị lịch sử truyền thống, xây dựng hình ảnh đẹp và ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách trong nước và quốc tế; góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, phát triển các hoạt động thương mại, du lịch, thực hiện có hiệu quả Chương trình Quốc gia về du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Tại hội nghị, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã đề xuất một số hoạt động sẽ được tổ chức trong dịp Kỷ niệm.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất việc tổ chức Lễ kỷ niệm cần phải đảm bảo tổ chức theo quy mô lớn, mang tầm di sản quốc gia; đúng quy định hiện hành của Nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bảo tồn di sản và quản lý tài chính. Trong đó tập trung làm nổi bật đặc điểm; vị trí, vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt. Đồng thời cần xây dựng một kịch bản văn học, có lời bình cụ thể và được thẩm định chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền và nhà chuyên môn.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng BCĐ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt thống nhất với các ý kiến của các đại biểu dự hội nghị; khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của sự kiện Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt đối với tỉnh Ninh Bình. Đồng thời yêu cầu, kịch bản Lễ kỷ niệm phải thể hiện được xuyên suốt trong đó là ý nghĩa, vai trò và vị trí quan trọng của Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy của lịch sử dân tộc; ý nghĩa, giá trị của Nhà nước Đại Cồ Việt trong các triều đại sau này và cho đến tận hôm nay.
Việc tổ chức Kỷ niệm cần thực hiện đúng theo các quy định hiện hành, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm và có tính giáo dục cao. Các hoạt động cần phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống lịch sử dân tộc; quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Đối với với những nội dung mà Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất, Thường trực Tỉnh ủy nhất trí và đánh giá cao sự vào cuộc của doanh nghiệp trong việc chung tay tổ chức các hoạt động Kỷ niệm, từ đó sẽ làm phong phú, đa dạng, sôi nổi hơn các hoạt động trong dịp Kỷ niệm. Tuy nhiên, Doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch xây dựng kịch bản tổ chức các hoạt động, đảm bảo việc tổ chức diễn ra theo đúng quy định.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, thời gian từ nay đến ngày diễn ra Lễ kỷ niệm không còn nhiều, đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp cần tích cực triển khai những nhiệm vụ được giao theo đúng kế hoạch, đảm bảo Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) diễn ra đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả.
Mỹ Hạnh- Minh Quang