Những ý tưởng độc đáo
Chỉ với chiếc máy quay cầm tay, các học sinh được thỏa sức sáng tạo về tất cả những điều xảy ra chung quanh cuộc sống.
Từ chuyện bạo lực học đường, trộm cắp trong lớp học, gương học giỏi, giúp đỡ bạn bè và ham làm từ thiện, cho đến những vấn đề rất "người lớn" như: ô nhiễm môi trường, giữ gìn đa dạng sinh thái, quảng bá du lịch Việt Nam, những đổ vỡ gia đình, sự mất phương hướng của giới trẻ, xung đột giữa các thế hệ…, tất cả đều được thể hiện bằng ngôn ngữ, góc nhìn và quan điểm của các em.
Có những ý tưởng rất độc đáo, như "Đau thương đến chết" về một cô học trò chịu quá nhiều sức ép từ cuộc sống đã tìm đến cái chết như một lối thoát. Những sức ép được thể hiện bằng một hồn ma đáng sợ, theo chân cô bé ở khắp mọi nới, và khiến cho cô bé không thể chịu đựng nổi. Đây là tác phẩm của Ngô Phương Thanh, Nguyễn Hồng Giang và Đoàn Minh Chi, ba học sinh trường THPT Trần Phú, Hải Phòng, một trong sáu tác phẩm đoạt giải.
Các tác giả bày tỏ: "Chúng em muốn gửi tới khán giả một thông điệp rằng, nhiều khi học sinh chúng em cũng phải chịu rất nhiều những sức ép khác nhau trong cuộc sống và không phải lúc nào cũng có thể tìm ra lối thoát tích cực. Khi quá non nớt và thiếu chín chắn, chúng em rất dễ bị đẩy đến một kết cục như trong phim".
"Nước mắt bào thai" cũng là phim gây ấn tượng mạnh với khán giả. Với cách giật tít ban đầu khiến người xem dễ liên tưởng đến nạn phá thai ở thanh thiếu niên ngày nay, nhưng bộ phim lại dẫn dắt tới một vấn đề hoàn toàn khác: chuyện một con trâu chửa bị mổ bụng để lấy trâu bao tử làm món ăn giúp dưỡng thai cho con người.
Cách quay trực tiếp, trình bày ngắn gọn và nhiều hàm ý, bộ phim đã làm dậy lên những tràng vỗ tay tán thưởng hồi lâu từ chính những khán giả nhí. Đây cũng là bộ phim lọt vào chung kết và sẽ được trình chiếu tại Liên hoan phim trẻ quốc tế tại Nhật Bản tháng 12 tới.
Không ít phim được quay rất cầu kỳ, như "Chào Việt Nam" được quay tại một số điểm du lịch phía nam, hay một số bộ phim về tình mẹ con của một gia đình khỉ, về vòng đời của một con sâu bướm… được quay kỹ lưỡng và công phu, miêu tả tỉ mỉ… Nếu không được giới thiệu trước, ít ai nghĩ rằng đó chỉ là tác phẩm của các em học sinh.
6/42 bộ phim độc đáo được lựa chọn bao gồm:
· "Một ngày của tôi" ( THCS Văn An, Hà Nội);
· "Nước mắt bào thai" (THPT Nguyễn Huệ, Huế);
· "Không biết thời gian có còn dài" (Hà Nội);
· Get lost (THPT Lý Tự Trọng, Cần Thơ);
· "Chiếc ghế", (THCS Nguyễn Thượng Hiền, Nha Trang).
Hồn nhiên và dễ thương
Tất cả các "nhà làm phim" đều còn mang đồng phục THPT hoặc THCS, nên dù thế nào, các tác phẩm vẫn rất hồn nhiên. Phương Thanh và Hồng Giang của tác phẩm "Đau thương đến chết chia sẻ: "Bọn em lấy ý tưởng từ một bài hát có tên "30 minutes", chứ ban đầu ý tưởng này rất mờ nhạt. Chỉ khi nghe bài hát này thấy ghê ghê, bọn em mới nảy ra ý định và bắt tay vào làm".
Trong số các phim tham gia, ngay cả những người làm nghề cũng không khỏi bất ngờ trước những đề tài tưởng chừng như khô khan, khó xem lại được lồng vào những câu chuyện hết sức dễ thương: Cuộc phiêu lưu của một chiếc túi nylon (với tên gọi "Cuộc phiêu lưu của cậu bé Nylô") phản ánh nạn xả rác bừa bãi và nguy cơ từ túi nylon; câu chuyện bảo vệ nguồn nước sạch thể hiện qua bài học kinh nghiệm của những người hành tinh khác, ước mơ trở thành ca sĩ của một em bé nhiễm HIV…
Khán phòng đầy ắp các khán giả nhí cũng phản ứng hết sức hồn nhiên với những tràng pháo tay giòn giã khi được xem những bộ phim hay, nói lên đúng tâm tư suy nghĩ của mình, hay chỉ đơn giản là một cảnh quay "đắt', một cách xử lý tài tình, hoặc một tình huống khiến các em đồng tình… Những khung hình trong các bộ phim cũng hết sức hồn nhiên như chính cái nhìn của các em đối với cuộc sống.
Những gì đọng lại
Cuộc thi khởi đầu do sự khởi xướng của Đại sứ thiện chí Nhật - Việt Sugi Ryotaro, nghệ sĩ sân khấu, truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản. Năm 2006, cuộc thi thử nghiệm đã diễn ra với 5 trường THCS và THPT tại Hà Nội, 9 phim xuất sắc đã lọt vào vòng chung kết. Năm nay, lần đầu tiên cuộc thi mở rộng quy mô toàn quốc kể từ tháng 3, với sự tham gia của hàng trăm học sinh phổ thông cơ sở và trung học. Mục đích lớn nhất của cuộc thi, theo như ý tưởng của Đại sứ thiện chí Sugi Ryotaro, là "thả một chiếc máy quay vào bụng các em, để thấy được các em nghĩ gì, thích gì, mong muốn gì".
"Thành công lớn nhất của cuộc khi là khiến người lớn hiểu được các em nghĩ gì, quan tâm đến điều gì. Điều khiến ban giám khảo rất xúc động, là các em không chỉ quan tâm đến những gì thiết thân trong cuộc sống, mà còn biết để ý đến những cảnh ngộ, những số phận hẩm hiu, do hoàn cảnh, bệnh tật…"- Đạo diễn Đặng Nhật Minh
Còn đạo diễn Lê Hồng Chương, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, cũng là một thành viên của ban giám khảo chia sẻ: "Chúng tôi rất mừng vì lớp trẻ đã quan tâm đến điện ảnh, có nhiều bộ phim rất thú vị, thậm chí có thể chiếu được trên truyền hình, thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của các em, đặc biệt là những vấn đề mà các em quan tâm".
Rõ ràng, những thước phim ngắn đầu tay này đã làm thay đổi suy nghĩ của người lớn về các cô cậu ở thế giới tuổi teen vô lo, hồn nhiên, cũng như thay đổi chính những suy nghĩ của các em.
Theo Nhandan