Sáp nhập là cần thiết
Trước khi thực hiện sáp nhập, tỉnh Ninh Bình có 7 trung tâm dạy nghề và 1 trường Trung cấp nghề Nho Quan. Không thể phủ nhận những hiệu quả mà các trung tâm dạy nghề mang lại, nhất là trong việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Trong 5 năm (2011-2016) cùng với sự đầu tư của Trung ương, tỉnh ta cũng đã phân bổ hơn 32 tỷ đồng, cùng với kinh phí của Trung ương để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trường Trung cấp nghề Nho Quan và 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện. Nhờ đó, hệ thống phòng học chuyên môn, nhà xưởng thực hành nghề được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng kịp thời công tác dạy và học nghề của các địa phương. Trong 5 năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tổ chức 20 lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm nghề và kỹ năng dạy học cho gần 600 giáo viên và người dạy nghề. Đồng thời, các chương trình dạy nghề cũng từng bước được hoàn thiện căn cứ vào chương trình khung của Tổng cục dạy nghề và nhu cầu của thị trường lao động. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện đào tạo nghề cho gần 90.000 người lao động, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ước đạt 40%.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết các trung tâm dạy nghề vẫn chưa được khai thác tối đa hiệu quả. Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều đơn vị dạy nghề cùng đào tạo một nghề nên xảy ra tình trạng giẫm chân lên nhau. Hiện, các trung tâm mới chỉ dạy những gì mình có chứ chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Nghĩa là các trung tâm dạy nghề cấp huyện mới chỉ được đầu tư xây dựng phòng học còn các thiết bị máy móc thì hầu như chưa có gì. Bên cạnh đó, việc không đủ nguồn nhân lực, trong đó thiếu giáo viên cơ hữu khiến công tác định hướng, lựa chọn nghề mũi nhọn làm thế mạnh của mỗi trung tâm không thực hiện được. Sự khai thác chưa đạt hiệu quả như mong muốn cũng đồng nghĩa với việc gây lãng phí về cơ sở vật chất đã được đầu tư và lãng phí cả ở việc phải duy trì bộ máy của các trung tâm này. Trong khi đó, có trung tâm mặc dù có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, song công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu học viên cho một năm học.
Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2015, liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 39 về sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên. Thực hiện Thông tư này, Sở Nội vụ là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, lập kế hoạch triển khai cụ thể. Các ngành, đơn vị có liên quan cũng tích cực tiến hành rà soát và chuẩn bị những việc cần thiết cho việc sáp nhập. Đến thời điểm này, tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc sáp nhập.
Cần đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả
Huyện Gia Viễn là một trong những địa phương đã hoàn thành sớm việc sáp nhập giữa Trung tâm Dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên và đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX). Hiện nay bộ máy của Trung tâm dạy nghề đã chuyển đến trụ sở của Trung tâm GDTX và đang trong quá trình ổn định tổ chức bộ máy hành chính, trong đó có 1 giám đốc và 2 phó giám đốc phụ trách lĩnh vực GDNN và GDTX. Sau khi ổn định tổ chức, Trung tâm sẽ bắt tay vào xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể cho chặng đường hoạt động sắp tới. Ông Đinh Văn Đề, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gia Viễn cho biết, 2 trung tâm sáp nhập làm một đã giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách; hệ thống làm việc, phòng học, thiết bị được đầu tư hơn. Bên cạnh đó, chức năng đào tạo của Trung tâm cũng đa dạng hơn, giúp thu hút được nhiều đối tượng người học, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân.
Cũng theo ông Đinh Văn Đề, trước đây, khi chưa sáp nhập thì nhiệm vụ của Trung tâm GDTX là vừa dạy văn hóa và vừa liên kết để đào tạo nghề cho học viên. Để làm tốt công tác đào tạo nghề, nhà trường đã liên kết với 5 trường cao đẳng nghề và lựa chọn những nghề mà thị trường đang thiếu để dạy như mộc, may công nghiệp, nấu ăn… Từ 3 năm trở lại đây, 100% học viên khi tốt nghiệp đều có bằng trung cấp nghề. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các em đều tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm. Hiện nay, khi sáp nhập với Trung tâm dạy nghề thì nhiệm vụ của Trung tâm được mở rộng hơn, không chỉ đào tạo nghề cho học viên là học sinh trong trung tâm mà đối tượng học nghề còn là lao động nông thôn. Một nhiệm vụ mới sẽ mang theo nhiều áp lực, khó khăn, bởi trên thực tế công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện nói riêng, trong toàn tỉnh nói chung đang còn nhiều khó khăn.
Được biết, sau khi sáp nhập, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Gia Viễn cũng đã bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp với công việc cho mỗi cán bộ, giáo viên. Về cơ bản giữ nguyên vị trí nhiệm vụ công tác, hạn chế xáo trộn gây ảnh hưởng đến tư tưởng, hiệu quả công việc. Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay là tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và đội ngũ giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, hiện nay, trụ sở chính và mọi hoạt động dạy - học chỉ được khai thác ở Trung tâm GDTX với 15 phòng học. Các phòng học này chỉ đáp ứng yêu cầu dạy và học văn hóa, còn đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì cần có một địa điểm rộng hơn. Trong khi đó thì trụ sở cũ của Trung tâm dạy nghề mới chỉ được xây dựng xong phần thô từ nhiều năm nay song vẫn chưa được sử dụng do không có kinh phí để hoàn thiện. Và đây cũng là khó khăn chung của tất cả các trung tâm trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Sáp nhập, chuyển đổi là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Tuy nhiên, để việc sáp nhập mang lại hiệu quả thì các trung tâm đều mong muốn có sự tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bổ sung đội ngũ giáo viên. Về phần mình, các trung tâm cũng cần chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể về những bước đi trong thời gian tới, đặc biệt là có sự chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn. Cùng với đó là tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để liên kết đào tạo, giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động. Thêm vào đó, công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của các trung tâm cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học để thu hút ngày càng nhiều học sinh, nhất là đối tượng lao động nông thôn học nghề.
Đào Hằng