Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thanh Vân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Hoa Lư cho biết: Sau khi được thành lập (năm 2008), Hội đã sớm ổn định tổ chức và tích cực tuyên truyền, vận động các nạn nhân cũng như các cá nhân có nhiều tâm huyết, năng lực tham gia vào tổ chức Hội với tư cách là hội viên danh dự. Tổ chức Hội đã phát triển rộng khắp ở 11/11 xã, thị trấn với 502 hội viên, trong đó có 150 hội viên là tình nguyện viên.
Hiện nay, toàn huyện có 480 người được hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó 306 người là nạn nhân trực tiếp. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", Đảng bộ và nhân dân Hoa Lư đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin vơi đi những khó khăn trong cuộc sống. 5 năm qua (2008-2013), Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện và các chi hội đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và cộng đồng dân cư ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, góp phần xoa dịu "nỗi đau da cam". Toàn huyện đã có 2.350 lượt nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn được các cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà với tổng số tiền trên 200 triệu đồng; trao tặng 6 xe lăn cho nạn nhân có khó khăn về vận động; hỗ trợ 4 gia đình xây dựng nhà tình nghĩa; Huyện hội phối hợp với nhà chùa Yên Ninh, Đông Trang tổ chức 2 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 578 lượt đối tượng; tổ chức Jaica Nhật Bản đã cấp học bổng cho 2 nạn nhân gián tiếp (từ năm 2007 đến nay)...
Các hoạt động trên là những việc làm đầy ý nghĩa nhằm quan tâm, chia sẻ khó khăn với các nạn nhân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Điều đáng nói là bên cạnh sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy, chính quyền và sự chung tay của toàn xã hội nhằm xoa dịu "nỗi đau da cam", nhiều hội viên đã phát huy tinh thần "tự lực cánh sinh" khắc phục khó khăn, vượt qua bệnh tật, vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng. Tiêu biểu là gia đình ông Lê Tiến Đồng (xã Ninh Vân); Lê Quốc Bảo (xã Ninh Khang); Nguyễn Văn Bích (xã Ninh Thắng)… Nhiều hội viên đã hăng hái đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, thực sự là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Vân, trên thực tế, con số gần 500 nạn nhân chất độc da cam/điôxin đã được huyện thống kê thì vẫn còn không ít người vì mặc cảm trước những dị nghị của một bộ phận dân chúng cho rằng "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" hoặc đôi khi vì lý do tế nhị như sợ con cái không lập được gia đình... mà không dám thừa nhận mình là nạn nhân của chiến tranh. Nắm bắt được điều đó, cán bộ Hội đã thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình và chia sẻ với những khó khăn của họ để giúp các gia đình vơi đi mặc cảm và dần xóa bỏ được những định kiến trên. Nhiều gia đình đã quan tâm thay đổi một phần cấu trúc nhà cửa để thuận tiện hơn cho việc chăm sóc hoặc mua các vận dụng phù hợp với tính chất bệnh tật của các nạn nhân. Tuy vậy, phần lớn các nạn nhân chất độc da cam sức khỏe đã giảm sút, đau ốm triền miên, gia cảnh rất khó khăn.
Ông Hoàng Thanh Vân chia sẻ: Hậu quả chiến tranh để lại đối với các nạn nhân chất độc da cam/điôxin là rất lớn. Những di chứng của nó không chỉ làm tàn phế một thế hệ mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau này với hậu quả khôn lường. Họ mang trong mình căn bệnh quái ác do chất độc da cam gây ra (57 người bị dị tật, 30 người bị thiểu năng trí tuệ; 87 người mất khả năng lao động; 23 hộ gia đình có 2 đến 3 con bị nhiễm chất độc…) đang rất cần sự quan tâm của toàn xã hội. Thực hiện Quyết định số 39 của Trung ương Hội về khảo sát, thống kê người bị hậu quả chất độc hóa học/điôxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, toàn huyện có 2.548 người/1.586 gia đình được khảo sát, cho thấy thế hệ bố, mẹ mắc một trong 21 bệnh do Trung ương Hội quy định là 1.586 người; thế hệ con cháu mắc 1 trong 21 bệnh là 918 người; số đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo là 41 người. Trong số đối tượng được khảo sát có nhiều người có nhu cầu được khám, xác định mức độ bị nhiễm chất độc da cam. Đây là vấn đề đang rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành để giúp những người bị nhiễm chất độc da cam sớm được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước.
Huy động tâm và lực của toàn xã hội, huyện Hoa Lư đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần chăm lo, giúp đỡ vật chất, tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Sự quan tâm sẻ chia đó sẽ là động lực để họ tiếp tục vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Nam Phương