Qua 5 năm thực hiện, hoạt động của quỹ quay vòng đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sống, làm thay đổi hành vi và ý thức được tác dụng của việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường sống ở cộng đồng dân cư góp phần xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2007, khi bắt đầu triển khai dự án, Hội Phụ nữ tỉnh đã thành lập Ban Quản lý quỹ quay vòng tỉnh và tổ chức làm điểm tại xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, chỉ đạo UBND xã Gia Xuân thành lập Ban quản lý xã điều hành hoạt động tại cơ sở. Các nhóm vay vốn được thành lập theo thôn, xóm, mỗi nhóm không quá 30 thành viên. Ban quản lý quỹ tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng giai đoạn để chỉ đạo thực hiện, chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ truyền thông, nghiệp vụ kế toán cho Ban quản lý xã. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, hàng tháng Ban quản lý tỉnh đều cử cán bộ xuống cơ sở nắm tình hình.
Sau 6 tháng giải ngân, Ban quản lý tỉnh và Ban quản lý xã Gia Xuân tiến hành nghiệm thu công trình tại 100% các hộ vay vốn. Sau khi sơ kết hoạt động tại xã điểm, chương trình nhân ra tại 9 xã giai đoạn I (năm 2007), 11 xã giai đoạn II (năm 2008), 11 xã giai đoạn III (năm 2009). Kết thúc mỗi giai đoạn, Ban quản lý quỹ tỉnh đều tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả hoạt động, từ đó rút kinh nghiệm cho giai đoạn sau.
Từ nguồn vốn ban đầu, với cơ chế quay vòng vốn, đến nay đã có 10.335 hội viên phụ nữ được vay vốn xây dựng công trình cấp nước và công trình vệ sinh hộ gia đình. Với việc thẩm định, khảo sát 100% hộ vay vốn, các hộ gia đình sau khi nhận tiền đều sử dụng đúng mục đích và hầu hết hoàn thành công trình sau 6 tháng. Đa số các hộ đều đầu tư thêm kinh phí để xây dựng các công trình vệ sinh hiện đại, khép kín.
Tỷ lệ hộ dân được vay vốn trên tổng số hộ dân tại 32 xã đạt từ 20-40%/xã, có những xã giai đoạn I đạt 50% như xã Gia Xuân, Gia Thanh (huyện Gia Viễn), xã Yên Hòa (huyện Yên Mô). Số công trình hợp vệ sinh đã tăng lên đáng kể tại 32 xã, đã có 10.183 công trình được hoàn thành, trong đó chủ yếu là nhà vệ sinh tự hoại (chiếm 91,2%) còn lại là bể nước mưa, giếng, cống thoát nước, hầm biogas… (chiếm 9,8%). Dự án đã góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83,7%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 72%.
Bên cạnh hiệu quả về mặt xã hội, dự án cũng đem lại hiệu quả về kinh tế. Từ tiền tiết kiệm của các thành viên, đã có 1.592 hộ được vay vốn 7.960 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Tiêu biểu như hộ gia đình chị Nở, thôn 18; chị Tám, thôn 2 xã Khánh Trung (Yên Khánh) vay buôn bán gạo, làm nấm và nuôi chim bồ câu cho thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ. Chị May, thôn Đức Hậu; chị Dứa thôn Duyên Phúc, xã Khánh Hồng (Yến Khánh) vay vốn chăn nuôi, cho thu nhập hàng tháng 5-10 triệu đồng. Dự án cũng góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Thông qua các hoạt động tuyên truyền trên đài truyền thanh xã, các buổi truyền thông, tài liệu, tờ rơi, người dân tại các xã đã nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường, thấy được lợi ích của việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đối với sức khỏe, từ đó dần có những chuyển biến trong thói quen vệ sinh cá nhân, gia đình.
Việc thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội Phụ nữ phát động được hội viên hưởng ứng tham gia mang lại cảnh quan môi trường sạch, đẹp ở nông thôn, bộ mặt nông thôn ở 32 xã đã có những thay đổi đáng kể. Qua thực hiện dự án, đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ ngày càng nâng cao năng lực quản lý vốn vay, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua và các nhiệm vụ công tác của Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tạo tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới.
Thùy Phương