Trao quyền tự chủ cho người nghèo
Những năm qua, công tác giảm nghèo ở huyện Yên Khánh được triển khai quyết liệt, đồng bộ thông qua nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 toàn huyện còn 2,7%, giảm 0,4% so với cuối năm 2017, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 4,1% giảm 1,3% so với cuối năm 2017. Các chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, an sinh xã hội được đảm bảo.
Nét nổi bật trong công tác giảm nghèo ở huyện Yên Khánh là địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua hỗ trợ nuôi bò sinh sản" cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn 2 xã Khánh Tiên, Khánh Thiện và Dự án "Nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua hỗ trợ nuôi dê sinh sản" cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn 2 xã Khánh Trung, Khánh Công. Đánh giá về việc thực hiện các mô hình giảm nghèo này, đồng chí Phạm Ngọc Điệp, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh cho biết: Hỗ trợ người nghèo công cụ sản xuất không phải là cách làm mới. Trước đây, từ nhiều kênh khác nhau, hàng năm địa phương vẫn thực hiện hỗ trợ người nghèo về giống con, cây hoặc đưa nghề phù hợp về nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên. Nhưng trên thực tế, hiệu quả vẫn còn ở mức độ, thậm chí những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn hỗ trợ đó là rất ít.
Với việc thực hiện các Dự án này, vẫn là phương pháp trao "cần câu" cho hộ nghèo, song điểm khác biệt lớn nhất đó là mức hỗ trợ đã "ra tấm ra miếng" bằng những con nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn như bò, dê... đặc biệt, việc lựa chọn đối tượng tham gia dự án được rà soát kỹ, để vừa đảm bảo các điều kiện cần như: có lao động tham gia dự án, có khả năng thực hiện dự án và quan trọng nữa, là bản thân các hộ nghèo ấy phải có sự hưởng ứng tích cực, khơi dậy được ý chí thoát nghèo. Nhằm đảm bảo các dự án được thực hiện có hiệu quả, các hộ nghèo được trao quyền tự chủ trong việc quyết định lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện kinh tế, lợi thế lao động... của gia đình mình. Căn cứ vào nhu cầu của hộ tham gia dự án, huyện phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ kèm theo, như: xây dựng chuồng trại hợp lý, kỹ thuật chăn nuôi, liên hệ đầu ra cho sản phẩm... để người tham gia dự án có thêm kiến thức, kỹ năng để vươn lên. Với sự khác biệt ấy, các dự án giảm nghèo đã thu hút 39 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia, với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Cụ thể mức hỗ trợ là: 12,3 triệu đồng/hộ nghèo, 11,1 triệu đồng/hộ cận nghèo và 10,6 triệu đồng đối với hộ mới thoát nghèo.
Duy trì dự án khi hỗ trợ không còn
Giống như nhiều hộ dân trong vùng, gia đình ông Nguyễn Văn Tuyến ở xã Khánh Trung là một trong những hộ được tiếp cận Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2018. Với nhu cầu nuôi dê, ông Tuyến được hỗ trợ 5 con dê sinh sản. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn dê lớn nhanh, phát triển tốt. Bên cạnh đó, ông Tuyến mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo hơn một mẫu ruộng trũng nuôi cá chép giòn. Gia đình ông Tuyến được hỗ trợ các loại giống cây ăn quả như mít, hồng xiêm, na thái… để trồng xung quanh ao… hứa hẹn cho thu nhập tốt. Ông Tuyến chia sẻ, trước đây, thu nhập chính của gia đình ông trông chờ vào 8 sào ruộng. Nếu thời tiết thuận lợi thì cũng chỉ đủ ăn và chi tiêu tằn tiện. Nhưng cả hai vợ chồng ông đều bị bệnh, vì vậy mà liên tục rớt xuống hộ cận nghèo. Được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, gia đình ông được tiếp cận dự án hỗ trợ sản xuất, hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp ở phía trước.
Ông Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết, những năm qua, địa phương luôn xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, là "chìa khóa" quan trọng để xây dựng diện mạo của một xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2018, xã có 6 hộ được tham gia vào Dự án hỗ trợ sản xuất nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Dự án được thực hiện từ tháng 8/2018 và đã kết thúc vào tháng 12/2018. Vẫn chưa thể cụ thể kết quả của Dự án do thời gian ngắn, tuy nhiên qua khảo sát cho thấy, tất cả các hộ tham gia thực hiện Dự án đều bày tỏ niềm lạc quan vào mô hình mình tham gia.
Thực tế cho thấy, huyện Yên Khánh đã triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo một cách có trọng tâm, trọng điểm. Những dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá trong công tác giảm nghèo bền vững. Và rõ ràng các dự án đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và nỗ lực thoát nghèo của người dân. Nhiều hộ có ý thức, trách nhiệm khi tham gia dự án. Tuy nhiên, để dự án thực sự đạt được mục tiêu giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững thì câu hỏi đặt ra là các hộ dân sẽ duy trì mô hình như thế nào khi dự án kết thúc, không còn sự hỗ trợ của Nhà nước? Thiết nghĩ, bên cạnh sự nỗ lực của các hộ nghèo, huyện cần tiếp tục có sự kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kịp thời về khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, sau khi dự án kết thúc, các ngành chức năng của huyện cần đánh giá về hiệu quả kinh tế cũng như tính khả thi để duy trì, nhân rộng mô hình về sau, đảm bảo nguồn vốn đầu tư đạt hiệu quả, tránh lãng phí.
Đào Hằng