Tuy nhiên, loại cây trồng này chỉ cho thu hoạch vào dịp cuối năm. Để nâng cao hiệu quả trên diện tích đất canh tác, nhiều người dân nơi đây đã đưa thêm các cây trồng ngắn ngày, phù hợp với điều kiện đất đai, nhu cầu của thị trường vào sản xuất. Mô hình đa canh, xen canh của gia đình anh Ninh Văn Tám là một trong những điển hình như vậy. Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng đào, anh Tám hiểu rõ đặc tính của cây trồng và đã làm chủ về mặt kỹ thuật. Anh cho biết: đào phai là loại cây dễ trồng, chịu hạn, phù hợp với các chân đất nghèo dinh dưỡng, độ phân tán và che phủ không lớn và chỉ cho thu nhập vào dịp cuối năm.
Vì vậy, tôi luôn trăn trở làm thế nào để khai thác tốt tiềm năng từ đất. Qua tìm hiểu sách, báo, tham khảo từ bạn bè và sự tư vấn của Hội Nông dân xã Đông Sơn, tôi quyết định trồng thêm các loại cây ăn quả xen canh, tận dụng diện tích đất vườn nhà kết hợp với chăn nuôi, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Hiện nay, trên 1 ha đất trồng đào phai của gia đình, anh Tám đã kết hợp trồng thêm các cây trồng ngắn ngày như: dưa hấu, dưa lê và một số loại cây ăn quả (bưởi diễn, vải) và chăn nuôi lợn nhằm tạo nguồn thu nhập quanh năm. Sau một thời gian thực hiện mô hình cho thấy đây là những loại cây trồng phù hợp với vùng đất Đông Sơn.
Riêng với cây đào phai- cây trồng được anh xác định là cây trồng trọng điểm, anh đã được chuyển giao kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh để phát triển hiệu quả.
Để bắt nhịp với thị hiếu của người chơi đào, ngoài việc trồng, phát triển các cây đào tự nhiên, anh Tám còn học kỹ thuật trồng đào thế. Niềm tin vào thành công của mô hình tổng hợp được củng cố hơn khi năm nay, các loại cây trồng đều được mùa và chăn nuôi lợn được giá.
Anh Ninh Văn Tám phấn khởi nói: Ưu điểm của việc trồng cây đào kết hợp với trồng cây ăn quả là đã tận dụng tối đa diện tích và khoảng thời gian sinh trưởng, phát triển của mỗi loại cây trồng, đem lại nguồn thu nhập quanh năm cho người nông dân. Và như vậy, người nông dân có điều kiện củng cố tiềm lực về vốn để mở rộng sản xuất.
Sau gần 10 năm chuyển đổi sang phát triển mô hình đa canh, xen canh, đến nay anh Tám đã trồng trên 1.000 cây đào phai, đào cành, đào thế, 2 mẫu dưa các loại; gần 100 gốc bưởi Diễn, vải và nuôi lợn nái, lợn thương phẩm. Trở thành mô hình kinh tế điển hình của xã Đông Sơn và là điểm đến cho nhiều nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm, cách làm.
Anh Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn nhận xét: Thành công từ mô hình đã đem lại nguồn thu nhập ổn định và tăng cao không chỉ gia đình anh Tám mà còn mở ra hướng đi mới cho người trồng đào Đông Sơn. Thời gian tới, nông dân xã mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là được tiếp cận với các mô hình mới, góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Hiệu quả mô hình kinh tế đa canh, xen canh của gia đình anh Ninh Văn Tám đã thêm một lần nữa minh chứng cho khả năng tư duy, cách làm sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong phát triển cây, con nuôi, góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Bài, ảnh: Mai Lan