Nhận được thiếp mời đám cưới em trai của cô bạn, chúng tôi ai cũng ngạc nhiên và bất ngờ bởi C, em trai bạn tôi nghiện ma túy từ nhiều năm nay, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình. Từ ngày C "dính" vào tệ nạn "chết người" này, mọi của nả, tiền bạc của gia đình đều được C "nướng" vào các liều ma túy hàng ngày. Cho đi cai nghiện nhưng cũng chỉ hết thời gian cai, C lại tái nghiện.
Trong lúc gia đình đang tuyệt vọng và chán nản về cậu con trai út thì bạn tôi nghe tin tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh có triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế Methadone. Đưa em trai đến Trung tâm để hỏi thủ tục, mọi việc rất đơn giản vì đây là hình thức điều trị tự nguyện, người muốn điều trị chỉ cần làm đơn xin tham gia chương trình và tuân thủ điều trị. Từ ngày tham gia điều trị bằng Methadone đến nay đã được gần 2 năm, từ một thanh niên bệ rạc, lười lao động..., C đã thay đổi là một con người khác khi tích cực tham gia lao động, vui chơi lành mạnh và có ý thức tiết kiệm.
Khi nghe C trình bày về khoản tiền tiết kiệm hàng tháng của mình và ý định muốn lập gia đình với cô bạn làm cùng xưởng may, cả gia đình C vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng. Từ khi lấy vợ đến nay cũng đã hơn 1 năm, C luôn thể hiện là người chồng chăm chỉ, chịu khó. Khi vợ mới sinh con đầu lòng, C cũng luôn là người chăm sóc vợ những ngày ở cữ, từ việc giặt giũ quần áo, tã lót, đi chợ, mua sắm, tẩm bổ cho vợ...
Trò chuyện với bác sỹ Hoàng Thị Hồng Hạnh, Phụ trách Khoa Điều trị Methadone về trường hợp của C, chúng tôi được biết thêm: Trường hợp của C chỉ là một trong hàng trăm trường hợp được điều trị tại Khoa từ gần 2 năm nay có chuyển biến tích cực. Năm 2012 khi mới đi vào hoạt động, ban đầu Khoa tiếp nhận và điều trị cho 20 bệnh nhân. Được sự tài trợ từ Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS nên Khoa được trang bị các thiết bị, máy móc phục vụ việc khám, xét nghiệm, hỗ trợ thuốc điều trị.
Mỗi bệnh nhân đến đây, sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thủ tục, giấy tờ, trải qua các xét nghiệm... sẽ được đưa vào điều trị. Hàng ngày, thường là tập trung vào buổi sáng, người bệnh đến Khoa, thực hiện đăng ký, xếp hàng thông qua thẻ có mã số. Việc uống thuốc được thực hiện tại Khoa, sau khi uống thuốc người bệnh phải nói lời cảm ơn trước khi ra về. Do Methadone có tác dụng trong 24 giờ nên bệnh nhân chỉ cần uống 1 liều trong ngày. Bệnh nhân được điều trị qua các giai đoạn: Dò liều, ổn định liều, điều trị duy trì và giảm liều để ra khỏi chương trình khi có đủ điều kiện. Hiệu quả của việc điều trị bằng thuốc Methadone là làm cho bệnh nhân không còn cảm giác thèm heroin, từ đó dần dần phục hồi hành vi, nhân cách.
Trong khi đó, nếu sử dụng heroin và các chất gây nghiện, người nghiện bị tổn thương não, dẫn đến mất hành vi, nhân cách. Tham gia điều trị, người bệnh ngày nào cũng phải đến Trung tâm để uống thuốc, từ 2-3 ngày/khám 1 lần, với người bệnh đã duy trì liều ổn định thì thực hiện khám 1 tháng/1 lần nên tình trạng người bệnh được các bác sỹ nắm bắt rất cụ thể. Chỉ sau 2 tháng điều trị và tuân thủ quá trình điều trị, người bệnh đã ổn định tư tưởng, tăng cân, giảm cảm giác lệ thuộc vào heroin.
Phần lớn người bệnh tham gia điều trị đã giảm đáng kể cả về tần suất và liều sử dụng heroin, giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Từ 20 bệnh nhân điều trị ban đầu vào tháng 9-2012, đến nay Khoa Điều trị Methadone đang quản lý và điều trị ngoại trú cho 267 người bệnh. Cũng theo bác sỹ Hoàng Thị Hồng Hạnh là người trực tiếp điều trị, trước khi điều trị tại Khoa, qua công tác quản lý cho thấy trên 70% người bệnh là đối tượng vi phạm pháp luật, phần lớn có tiền án, tiền sự.
Nhưng chỉ sau 1 năm tuân thủ điều trị tốt, tình hình chấp hành pháp luật của người bệnh có sự chuyển biến tích cực, tình trạng lây nhiễm HIV giảm vì tình trạng sử dụng ma túy, dùng chung kim tiêm khi hút, chích ma túy không còn... Trong quá trình điều trị, tỷ lệ người bệnh tuân thủ điều trị đạt trên 90%, nhiều bệnh nhân ổn định thể chất, tinh thần, quay lại với công việc, tích cực lao động sản xuất để có thu nhập ổn định. Số bệnh nhân còn lại chưa tuân thủ tốt việc điều trị hoặc bỏ điều trị phần lớn tập trung vào số đối tượng bị bắt do vi phạm pháp luật hoặc di chuyển địa điểm cư trú...
Sau hơn 2 năm thực hiện điều trị Methadone, số người được điều trị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Để chương trình đến được với nhiều người bệnh, công tác tuyên truyền, tư vấn là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, hiện nay chương trình điều trị Methadone hoàn toàn miễn phí do có sự tài trợ của Quỹ Toàn cầu. Tuy nhiên, khi số lượng bệnh nhân tăng, chương trình được mở rộng, việc triển khai hình thức xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone sẽ phải được tính đến để huy động sự chia sẻ của chính gia đình và người bệnh.
Đồng thời tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp của gia đình người bệnh trong quá trình điều trị. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị là Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn đang triển khai chương trình điều trị Methadone. Để đáp ứng nhu cầu điều trị Methadone của người bệnh ở các địa phương trong tỉnh, từ năm 2015 sẽ có thêm 4 đơn vị: Trung tâm Y tế huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư và thị xã Tam Điệp được triển khai chương trình.
Minh Tâm