Đồng chí Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho biết: Chi cục đã thành lập Ban quản lý Chương trình do đồng chí Phó Chi cục làm trưởng Ban và phối hợp với UBND các xã mà cụ thể là xã Gia Tân (Gia Viễn) điều tra khảo sát thực tế các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, trên cơ sở đó lựa chọn các hộ đăng ký tham gia theo đúng các tiêu chí đề ra: Có kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, có khả năng tiếp thu tiến bộ KHKT cũng như truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho nhân dân trong vùng, có đủ điều kiện (ao nuôi, phương tiên, máy móc...) và năng lực tài chính để thực hiện mô hình. Kết quả đã chọn được một số hộ tham gia với tổng diện tích: Nuôi thả trắm cỏ 1,6 ha; chép lai 0,9 ha. Ban quản lý dự án đã tiến hành ký hợp đồng với đại diện các hộ trong việc mua và hỗ trợ giống, thức ăn theo định mức đã được phê duyệt; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia từ khâu cải tạo ao nuôi, chọn giống, chăm sóc quản lý ao nuôi... đến việc phòng trị bệnh cho cá nuôi.
Ngày 6/4/2017 đồng loạt tiến hành thả giống và giống cá trắm cỏ có kích cỡ 120 g/con, mật độ thả 1,4 con/m2 với số lượng 22.400 con.
Hàng ngày cán bộ kỹ thuật Chi cục cùng các hộ gia đình thường xuyên kiểm tra ao nuôi, xử lý môi trường, dịch bệnh nếu có, theo dõi tốc độ sinh trưởng của đàn cá nuôi... và nhận thấy cá nuôi trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, không có dấu hiệu của bệnh tật, trọng lượng cá tăng khá nhanh. Đến đầu tháng 11/2017 đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên với trọng lượng bình quân đạt 3 kg/con và tỷ lệ sống đạt 57%.
Ông Phạm Trung Nam một hộ tham gia mô hình, cho biết: Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Chi cục và UBND xã, gia đình tôi được tham gia mô hình với diện tích ao nuôi là 1,5 mẫu. Theo sự hướng dẫn của Chi cục, ao được thiết kế nổi, bờ ao có phủ bạt chống thấm. Con giống, mật độ thả, quy trình quản lý chăm sóc đàn cá và ao nuôi theo hướng dẫn nghiêm ngặt của cán bộ kỹ thuật Chi cục.
Sau hơn 7 tháng nuôi thả, đàn cá trong ao đã đạt trọng lượng từ 3-3,5 kg/con. Hiện thương lái ở Hà Nội đã về tận bờ ao thu mua với giá 49.000 đồng/kg và chỉ thu mua các con cá có trọng lượng từ 2 kg trở lên với sản lượng ước đạt trên 10 tấn.
Ông Đặng Hữu Hà, cũng là một trong các hộ gia đình tham gia mô hình cho rằng: Nuôi cá trên ao nổi có nhiều ưu việt, như chỉ phải đắp bờ cao và khi cần có thể trả lại mặt bằng; hơn nữa việc đào ao sâu rất dễ bị ảnh hưởng của hiện tượng chua, phèn và như vậy sẽ tốn công và kinh phí cho xử lý ao nuôi.
Đặc biệt, vào đầu tháng 10 năm 2017 trên địa bàn huyện Gia Viễn nói riêng và cả tỉnh nói chung xuất hiện đợt mưa lũ lịch sử làm ngập nhiều diện tích nuôi thả thủy sản, nhưng do nuôi thả trong ao nổi nên vẫn an toàn, cho thu hoạch năng suất cao và bán được giá.
Theo tính toán của Ban quản lý dự án phần chi cho mô hình (giống, thức ăn, chi phí khác...) ước khoảng 877 triệu đồng, trong khi đó thu khoảng 1.042 triệu đồng và lãi là 165 triệu đồng. Như vậy, 1 ha ao nổi nuôi thả trắm cỏ sẽ cho lợi nhuận khoảng 103 triệu đồng.
Đồng chí Chi cục Trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng cho rằng: Mô hình được triển khai thành công khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc nuôi trồng thủy sản ở vùng đất trũng, là cơ sở để khuyến cáo mở rộng vào các năm tiếp theo.
Việc triển khai thành công mô hình đã đẩy năng suất nuôi cá nước ngọt lên trên 15 tấn/ha/vụ; tạo nguồn thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là vào dịp cuối năm. Đây có thể là phương thức nuôi trồng thủy sản phù hợp với nhiều địa phương vùng trũng, nhằm giảm thiểu và tránh được những rủi ro do mưa lũ gây ra.
Đinh Chúc