Cùng với đó là nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do chó gây ra, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nuôi chó thả rông không xích khóa, không rọ mõm, thậm chí vô chủ tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Bình, đã và không hề được cơ quan thú y hay chính quyền địa phương quan tâm kiểm tra, xử lý. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc cấp thiết trong công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt của ngành chức năng và ý thức của những chủ nuôi chó, để không còn tình trạng chó cắn người, đe dọa an toàn giao thông, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và tăng nguy cơ bùng phát bệnh dại.
Không khó để bắt gặp tại nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố Ninh Bình, chó được nuôi thả rông đi lại trước cổng, trước ngõ, sẵn sàng đuổi theo người đi đường khi đi qua. Tại phố Phúc Lộc, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình), hầu hết gia đình tại đây nuôi từ 1-2 con chó. Ngõ có khoảng chục hộ dân, thì có đến hàng chục con chó thường xuyên đi lại, nô đùa trước sân, trước nhà và ra góc cổng, góc đường phóng uế bừa bãi.
Bà Trần Thị Th. - một người nuôi chó phố Phúc Lộc nói rằng, những con chó tại đây được nuôi để trông coi nhà cửa và chúng được chủ nhà "rèn luyện" nên rất hiền lành, không cắn ai, có người lạ chỉ sủa và khi được chủ đe nẹt sẽ rất ngoan ngoãn. Hơn nữa, tất cả đều được tiêm phòng đầy đủ nên rất an toàn cho chủ và khách...
Câu trả lời của bà Th. không làm yên tâm những người dân khi phải đi qua con đường này, bởi những con chó nặng hàng chục kg, không rọ mõm, đi lại bình thản, thấy người lạ cứ lừ lừ tiến đến gần rồi ngửi chân, ngửi xe, đi theo cả một đoạn dài... Tại khu phố này, tuy chưa xảy ra vụ việc chó cắn người đi đường nghiêm trọng, do hầu hết người dân trong khu phố là người quen và những con chó này thường có người nuôi trong gia đình đứng tại đó quản lý, nhưng đã có những vụ ngã xe do chó chạy va quệt vào. Và điều làm nhiều người lo lắng, băn khoăn là có phải lúc nào chủ nuôi cũng giám sát được chó của mình và có dám chắc con chó mãi hiền lành, không nổi cơn điên cắn trộm người lạ...
Con số mỗi ngày có hàng chục người đến tiêm phòng bệnh dại tại Phòng Tiêm chủng Vacxin của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, mỗi ngày số người bị chó cắn diễn ra hàng ngày trên địa bàn tỉnh khá nhiều. Cao điểm vào những ngày tháng 5, tháng 6 - là những ngày hè nắng nóng, bệnh dại trên động vật (trong đó chủ yếu do chó, mèo cắn) gia tăng đột biến, có những ngày có từ 50-60 trường hợp đến tiêm phòng phơi nhiễm tại đây.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2000 đến 2013, mỗi năm toàn tỉnh ghi nhận từ 1-1,2 nghìn người bị chó cắn, phải đi điều trị dự phòng. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, số người bị chó cắn lại có xu hướng tăng lên, cụ thể là: Năm 2014 có trên 1,3 nghìn người; năm 2015 trên 1,5 nghìn người; năm 2016 gần 2 nghìn người; năm 2017 gần 2,3 nghìn người và năm 2018 tăng lên 2.975 người, trong đó tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi chiếm gần 30%.
Riêng 3 tháng đầu năm 2019 cũng đã có trên 600 trường hợp bị chó cắn phải đi tiêm dự phòng, trong đó có khoảng 100 trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi. Đây là con số không hề nhỏ, cho thấy người nuôi và con nuôi chưa được quản lý, quan tâm tiêm phòng, dẫn đến người dân khi bị chó cắn không biết nguồn gốc vật nuôi có an toàn hay không và hầu hết phải đi tiêm phòng phơi nhiễm bệnh dại.
Điều rất may là tỷ lệ tử vong do chó dại cắn giảm dần. Từ năm 1992 đến năm 1998, toàn tỉnh có 27 trường hợp tử vong do bệnh dại, xảy ra ở cả 8/8 huyện, thị, thành phố. Từ năm 1999 đến 2014, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến 2018, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp, trong đó 3 trường hợp ở huyện Nho Quan và 1 trường hợp ở thành phố Ninh Bình.
Sở dĩ những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do bệnh dại giảm đáng kể là do nhận thức của người dân được nâng lên, có hiểu biết rõ hơn về bệnh dại, thể hiện qua việc số lượng người đi nghe tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại tăng dần qua các năm.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định về việc xử phạt người nuôi chó không rọ mõm, không xích khóa đã được ban hành và có hiệu lực. Nhưng thực tế ý thức chấp hành của người dân còn rất thấp, việc quản lý hay áp dụng các chế tài xử phạt người vi phạm của các cấp có thẩm quyền vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hậu quả để lại cho người bị chó cắn là rất nặng nề, cả về sức khỏe, tinh thần và cả thẩm mỹ nếu vết cắn sâu, thậm chí có người tử vong.
Chính vì thế, ở các địa phương cần thực hiện nghiêm túc Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021, Nghị định 90 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15-9-2017. Những chủ nuôi chó cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm và có người dắt, không để cắn người xung quanh, không phóng uế ra môi trường... Đồng thời, chính quyền các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc nuôi chó của các gia đình.
Đặc biệt, mỗi người nuôi chó cần nâng cao ý thức đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội. Những trường hợp chẳng may bị chó cắn, người bệnh cần được rửa vết thương sạch, cầm máu, sát trùng và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị hiệu quả.
Mỹ Hạnh