Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh, thời gian qua đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ về vốn của Trung ương, tỉnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn năm 2016 là 7.657 tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng dư nợ, năm 2017 là 9.188 tỷ đồng chiếm 66,1%.
Qua đánh giá thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho thấy việc hỗ trợ lãi suất của Nhà nước đối với các đối tượng ưu tiên đã khuyến khích và tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng vay. Vốn chính sách được sử dụng có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã trao đổi, đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh phân tích làm rõ thêm một số vấn đề: Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ vốn cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn còn hạn chế; vốn cho vay HTX ít; tỷ lệ nợ xấu một số chương trình tín dụng cao; đánh giá sự phối kết hợp giữa Ngân hàng với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ...
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh đã giải trình các ý kiến của Đoàn giám sát, đồng thời nêu lên những khó khăn, đưa ra các đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hơn các chính sách liên quan đến tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nông dân về khoa học, kỹ thuật sản xuất, vấn đề tiêu thụ sản phẩm... để người dân yên tâm đầu tư sản xuất; sớm ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp thay Quyết định 68; đề nghị Ngân hàng Nhà nước bố trí cấp riêng nguồn vốn xây dựng cơ bản để cho vay xây dựng NTM.
Về phía tỉnh, Ngân hàng đề nghị các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất đối với khu vực nông thôn, đồng thời đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền đưa các cơ chế chính sách hỗ trợ tới người dân.
Kết luận buổi giám sát, Đồng chí Đinh Ngọc Hà, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh là đơn vị có truyền thống hoạt động lâu năm, có mạng lưới rộng khắp, lĩnh vực cho vay đa dạng. Những năm qua, Ngân hàng đã triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đúng trách nhiệm theo quy định của Nhà nước, đảm bảo an toàn và hiệu quả nguồn vốn.
Đồng chí đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền các chính sách , hướng dẫn về mặt quy trình thủ tục vay vốn để người dân có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh cho vay theo Nghị Định 55 đã đạt kết quả tốt, Ngân hàng cần quan tâm nâng cao tăng trưởng dư nợ đối với tất cả các chính sách hỗ trợ khác như: Nghị định 68, cho vay HTX,... tạo nguồn vốn thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển.
Quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ Ngân hàng. Tăng cường phối kết hợp với các cấp, chính quyền, đoàn thể trong công tác triển khai các chính sách hỗ trợ vốn nông nghiệp nông thôn.
*Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã có buổi làm việcvới Sở NN&PTNT về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2017. Tham gia đoàn giám sát còn có đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân, Ngân hàng Nhà nước.
Đoàn giám sát làm việc tại Sở NN&PTNT.
Trong 2 năm2016, 2017, nguồn kinh phí cấp cho Sở NN&PTNT là hơn 108 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Trong đó, bao gồm nguồn thu từ trồng rừng thay thế, kinh phí xây dựng NTM, chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, hỗ trợ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phát triển thủy sản, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao…
Các chính sách hỗ trợ, trong đó có những chính sách cho phép ưu đãi với mức cao với doanh nghiệp và nông dân đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân, nhiều mô hình hiệu quả đã được nhân rộng sau chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2016 là 2,7%, năm 2017 là 2,2%. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác năm 2017 đạt 110 triệu đồng/ha (tăng 5,2 triệu đồng so với năm 2014).
Sở NN&PTNTđề xuất tỉnh tiếp tục cho triển khai thực hiện các chính sách còn hiệu lực tuy nhiên cần cho rà soát, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cụ thể như: đối với nghị quyết 13/2015/NQ-HĐND ngày 22/7/2015 của HĐND tỉnh về quy định chính sách đặc thù hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần xem xét việc hỗ trợ đối với các dự án hỗn hợp…
Đối với các chính sách từ Trung ương, đề nghị bổ sung mở rộng quyết định 62/2013/ QĐ-TTgcủa Thủ tưởng Chính phủ nhằm thực hiện động bộ các liên kết trong sản xuất nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới; sửa đổi bổ sung Nghị định 05 về quỹ bảo vệ phát triển rừng; Bộ NN&PTNT ban hành các tiêu chuẩn quốc gia đối với giống lợn ngoại, gia cầm, trâu bò để làm căn cứ thực hiện quyết định 50/2014/QĐ-TTg…
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã tập trung làm rõ những tác động của những chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, khó khăn bất cập trong quá trình triển khai. Cụ thể như: công tác quy hoạch; chế độ chính sách cho đội ngũ khuyến nông, khuyến ngư tại địa phương; việc triển khai, phổ biến cơ chế chính sách đến các đối tượng; sự phối hợp với các ngành, đơn vị khác… Có ý kiến đặc vấn đề liệu các chính sách có đang làm xuất hiện tư tưởng trông chờ trong các tổ chức, cá nhân?
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Ngọc Hà đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung giám sát của Sở, giúp đoàn có bức tranh toàn cảnh về tình hình thực hiện các chính sách trong phát triển nông nghiệp. Sở đã nỗ lực, chủ động rà soát, sửa đổi một số cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chưa phù hợp; sửa đổi, tham mưu ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng chíPhó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới, Sở cần lưu tâm hơn đến công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Trung ương, của tỉnh đến các đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối kết hợp hợp với các ngành, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu ban hành, thực hiện các nghị quyết, đảm bảo khả thi, đúng luật định. Tăng cường đi thanh tra, kiểm tra, đi cơ sở để phát hiện các vấn đề bất cập để tham mưu sửa đổi chính sách cho phù hợp.
Hồng Giang-Nguyễn Lựu- Đức Lam