Để trả lại thanh danh cho xẩm trong kho tàng âm nhạc dân tộc và lưu giữ một loại hình âm nhạc nghệ thuật độc đáo này cho thế hệ mai sau, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm". Đề án đã đi qua giai đoạn "vạn sự khởi đầu nan" và đang tiếp tục hành trình để đưa nghệ thuật hát xẩm vào đúng môi trường mà nó vốn có.
"Tìm trong vốn cổ".
Cũng như nghệ thuật chèo, Ninh Bình được xem là cái nôi của nghệ thuật hát xẩm. Cho đến nay duy nhất ở Ninh Bình có nghệ nhân hát xẩm, đó là cụ Hà Thị Cầu. Cụ Cầu năm nay đã bước sang tuổi 95, nhưng giọng hát của cụ thì có lẽ ai đã một lần nghe đều không thể quên. Cụ Cầu đã được trao giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng dành cho những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc. Cụ được tôn vinh là "báu vật nhân văn sống", "người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX"…
Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, nghệ thuật hát xẩm có từ cách đây khoảng 700 năm. Ông tổ của loại hình nghệ thuật này là thái tử Trần Quốc Đĩnh. Theo năm tháng, nghệ thuật hát xẩm ngày càng phát triển ở nông thôn miền Bắc Việt Nam và trở thành nghề sinh nhai chính của những người khiếm thị. Người hành nghề hát xẩm vào những dịp nông nhàn, xuân thu nhị kỳ tại các bến sông, bãi chợ, sân đình. Ở nhiều địa phương như: Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa các nghệ nhân hát xẩm đã tập hợp thành làng, thành phường hát và có một ông trùm (bà trùm) đứng ra lo tổ chức. Thời đó ở Yên Mô, Ninh Bình cũng có một ông trùm nổi tiếng đó là cụ Trùm Mậu, bà Hà Thị Cầu là vợ thứ 18 của ông Trùm Mậu.
Về nghệ thuật biểu diễn, hát xẩm thể hiện được mọi cung bậc tình cảm, song người hát xẩm luôn pha vào đó chút hài hước, lạc quan. Có khi nó là tiếng cười át tiếng oán: "Lại những kẻ cắp như rươi/Hở cơ chốc lát - tiền ôi mất rồi/Giậm chân xuống đất kêu giời/Police thời có đến cũng tôi đi đời", có khi lại mang tính giáo lý sâu sắc: "Một duyên hai nợ ba tình/Chữ duyên kia với chữ tình ai mang /Kẻo còn đi nhớ về thương/Kẻo còn để mối tơ vương bên lòng /Đôi ta chút nghĩa đèo bòng/Dẫu mòn con mắt, tấc lòng nhãn khai"...
Trong các loại nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam, có lẽ chỉ duy nhất hát Xẩm được gọi với tư cách là một nghề để kiếm sống. Là sản phẩm của người lao động nên tính chất âm nhạc, lời ca hết sức mộc mạc chân thành, song nó cũng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc. Lời ca trong hát Xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ của các tác giả nổi tiếng..., mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời.
Cùng với các loại nhạc cụ dân gian, người khiếm thị đã sáng tạo ra những bài hát xẩm nói lên tâm trạng của mình về cuộc sống và nhân tình thế thái với âm điệu riêng, đặc sắc bằng sự cảm nhận cuộc sống qua đôi tai. "Chính vì lối sáng tạo riêng và những quy chuẩn trong hát xẩm mà có thể khẳng định đây là một loại hình nghệ thuật dân gian chuyên nghiệp", nghệ sỹ Thao Giang khẳng định.
Hành trình hướng đến di sản.
Với ý nghĩa bảo tồn, lưu giữ và phát triển loại hình văn hóa đang có nguy cơ bị thất truyền trong dân gian, làm phong phú thêm các tài nguyên du lịch, góp phần thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại Ninh Bình và mục tiêu tiếp theo là trình UNESCO công nhận hát Xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, UBND tỉnh Ninh Bình đã Phê duyệt Đề án số 04/ ĐA-UBND ngày 14/11/2011 về việc "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm". Đề án được Nhà hát chèo Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Yên Mô tổ chức thực hiện từ cuối năm 2011.
Đạo diễn Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình cho biết: Ninh Bình là địa phương đầu tiên trong cả nước có chủ trương chỉ đạo việc phục hồi nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh nhà. Cuối tháng 2 vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức công diễn báo cáo giai đoạn I của đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm". Hơn 10 điệu hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã được các nghệ sỹ của thủ đô Hà Nội, nghệ sỹ của Nhà hát chèo Ninh Bình, nghệ nhân Hà Thị Cầu (Ninh Bình) và các hạt nhân văn nghệ của huyện Yên Mô trình diễn với nhiều làn điệu Xẩm nổi tiếng như: Xẩm chợ, Phồn huê, Riềm huê, Hát ai, Chênh bong, Hò bốn mùa, Ba bậc, Xẩm Sênh, Thập ân… Mười một làn điệu "lòng bản" chính là minh chứng, khẳng định sự thành công, nỗ lực không mệt mỏi của các thành phần tham gia thực hiện đề án. Các tiết mục được chuẩn bị, dàn dựng công phu, thể hiện được một cách cơ bản, sâu sắc tính chất của các làn điệu Xẩm, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả. Mục tiêu lớn tiếp theo của Ninh Bình là sẽ đệ trình UNESCO công nhận hát xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Giai đoạn 2 của đề án là "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm" là đưa nghệ thuật hát xẩm phát triển rộng rãi, thông qua biểu diễn hát diễn xướng của các nghệ sỹ nhà hát chèo Ninh Bình, thông qua các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ đến từ các cơ sở, tuy nhiên đây là việc tương đối khó. Hiện nay Nghệ sỹ dân gian, NSƯT Hà Thị Cầu là người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX, hiện tuổi đã cao, sức khỏe không tốt, không thể thường xuyên tham gia truyền dạy. Trong khi đó, đối với các nghệ sỹ hát chèo khi tham gia truyền dạy như Nghệ sỹ ưu tú Thanh Ngoan, NSƯT Mai Thủy... thì còn không ít hạn chế. Mặt khác các công trình nghiên cứu khoa học về hát Xẩm chưa có, mọi tư liệu mới chỉ dừng lại ở mức sưu tầm và truyền khẩu, do đó có nhiều dị bản và hình thức biểu diễn khác nhau. Vấn đề lớn trong hành trình hướng tới di sản thế giới đó là làm gì để bảo tồn tính nguyên bản của nghệ thuật xẩm cổ.
Cần bảo tồn tính nguyên bản của nghệ thuật hát xẩm
Nhìn trên diện rộng, nghệ sỹ hát xẩm cũng giống như tất cả mọi nghệ sỹ chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình... hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo. Thù lao không tính trước kiểu "bán vé" mà "tự do thả nổi", ai muốn trả bao nhiêu thì… tùy! Thế nhưng thực tế hiện nay, các chiếu xẩm đều được thực hiện theo hình thức "sân khấu hóa"…Có lẽ chính môi trường sống dân dã ấy đã tạo nên sức sống âm ỉ cho Xẩm qua các thời kỳ thăng trầm của lịch sử. Ca từ của xẩm cũng là những ngôn ngữ gần gũi với đời thường, hầu hết do các nghệ nhân hát xẩm tự sáng tác, ứng khẩu cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của khách. Một làn điệu xẩm cổ có tới nhiều dị bản khác nhau, cái tài của người nghệ nhân là tài ứng biến trong mỗi lần hát, không lần nào giống lần nào. Chỉ một lần nhả chữ, hoặc thêm 1 câu ca dao thì làn điệu đó lại được làm mới. Trong khi đó, các ca từ xẩm hiện nay được nhiều nghệ sỹ sử dụng bằng các bài thơ, bài hát có sẵn rồi ghép vào các làn điệu cộng với việc phối âm đa dạng cũng đã làm cho xẩm mất đi tính nguyên bản.
Nói về khả năng trình diễn, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng xẩm thuộc loại bộ môn mà nghệ nhân luôn phải vừa hát, vừa diễn tấu nhạc cụ cùng lúc. Vừa đàn vừa hát được xem như một tiêu chuẩn "có hạng" của một bác xẩm thực thụ. Nghệ nhân Hà Thị Cầu là một ví dụ điển hình. Bà thường vừa hát, vừa có thể sử dụng trống phách bằng cả tay lẫn chân. Ngón chân phải kẹp 1 dùi gõ cỗ phách. Tay trái cầm cặp sênh, đồng thời gác lên thành chiếc trống mảnh thứ nhất, giữ chặt chiếc trống này tỳ vào đùi bên trái theo phương thẳng đứng. Chiếc trống mảnh thứ hai được gác vào bắp vế đùi trái. Tay phải bà cầm dùi vừa gõ trống, vừa gõ phụ trợ vào cặp sênh. Trong khi đó, kết thúc giai đoạn 1 của đề án, thông qua buổi công diễn cho khán giả thấy các nghệ sỹ hầu như chỉ biểu diễn hát đơn thuần mà không biết sử dụng nhạc cụ. Bên cạnh đó, diễn xuất, cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt của nghệ sỹ mang đậm các hình thức biểu diễn của một số loại hình nghệ thuật khác như: chèo, trầu văn... Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhận xét: Phải nói ngay rằng, dung lượng của nghệ thuật xẩm truyền thống ở đây đã bị "nhòa" đi rất nhiều, vì bản thân họ vốn là nghệ sĩ hát chèo. Họ thường xử lý kỹ thuật thanh nhạc trong bài bản có nhiều điểm khác hẳn với nghệ nhân xẩm.
Một trong nhiều vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn tính nguyên bản của nghệ thuật hát Xẩm, đó là xây dựng lớp nghệ sỹ hát xẩm kế cận. Tuy nhiên hiện nay, lớp người để tiếp nối nghệ nhân Hà Thị Cầu còn đang vắng bóng, trong khi các chính sách ưu tiên để thu hút người đến với bộ môn nghệ thuật này còn rất chung chung. Vì vậy nếu không có những chính sách cụ thể, kịp thời cho những nghệ sỹ hát xẩm, thì việc bảo tồn nghệ thuật hát xẩm sẽ gặp khó khăn.
Bảo Yến