Hơn 10 năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp ở tỉnh ta đã phát triển nhanh cả về số lượng cũng như chủng loại, góp phần giải quyết khâu lao động nặng nhọc, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất lao động và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa hiện nay vẫn chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện. Ngoài khâu làm đất, thu hoạch, còn lại các khâu như lên luống, cấy, làm cỏ và phun thuốc… mức độ cơ giới hóa rất thấp, lao động thủ công vẫn là chủ yếu.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức về tầm quan trọng của cơ giới hóa còn nhiều bất cập; hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, rủi ro lớn nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện số lượng các doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, kinh doanh máy nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không nhiều, do vậy nông dân có muốn đầu tư máy móc cũng không biết mua ở đâu, mua ở tỉnh ngoài thì chi phí vận chuyển cao, việc sửa chữa, bảo hành không thuận tiện.
Trong khi đó, kiến thức hiểu biết của người dân còn thấp nên nhiều hộ dân vẫn ngần ngại trong việc đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất.
Để giải quyết những khó khăn của người dân, thời gian gần đây Sở Khoa học và công nghệ đã thường xuyên triển khai các buổi hội thảo giới thiệu công nghệ, máy móc mới phục vụ phát triển nông nghiệp trực tiếp tại các địa phương, thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo người dân, chủ trang trại, gia trại, các HTX.
Mới đây nhất, tại xã Yên Lâm (huyện Yên Mô), Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã mời Công ty TNHH TMDV&XNK Tiến Linh, một đơn vị có bề dày kinh nghiệm về các sản phẩm máy móc phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp về giới thiệu với bà con trong huyện một số dòng máy nông nghiệp đa năng thế hệ mới.
Tham dự buổi giới thiệu mới thấy được nhu cầu tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc mới của người nông dân hiện nay là rất lớn.
Ông Trịnh Văn Miền, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Trì, xã Yên Thái cho biết: "HTX hiện nay có gần 100 ha đất canh tác, riêng diện tích đất lúa đã cơ bản đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất, tuy nhiên diện tích đất màu do mỗi nhà có 1-2 sào nên máy to không làm được.
Các công đoạn như làm cỏ, lên luống, trải nilon đang phải sử dụng lao động thủ công trong khi nhân công hiện nay rất hiếm và đắt. Chúng tôi đang rất cần những loại máy nhỏ đa năng như các dòng máy của Công ty Tiến Linh giới thiệu hôm nay".
Ông Phạm Văn Lưu, nông dân xã Yên Phong, huyện Yên Mô tỏ ra rất hào hứng: "Ra ngoài thực địa, được các cán bộ của Công ty trực tiếp giải đáp các thắc mắc, chính tay vận hành thử các loại máy, tôi cảm thấy rất vui.
Bấy lâu nay, trong sản xuất nông nghiệp, việc thuê mướn nhân công khó khăn, lao động vất vả nay với những máy móc tiên tiến như thế này sẽ giải quyết được tất cả những khó khăn trên. Nắm được những kiến thức nhất định, tôi có thể yên tâm lựa chọn cho mình những loại máy phù hợp".
Đại diện Công ty TNHH TMDV&XNK Tiến Linh, ông Lê Xuân Linh chia sẻ: Do các sản phẩm của Công ty được thiết kế, chế tạo và thử nghiệm trong nước nên phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam, đồng thời giá thành thấp hơn so với nước ngoài từ 3 đến 4 lần, giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận và thu hồi vốn nhanh.
Hiện nay, Công ty đang cung cấp và sản xuất nhiều loại công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng một trong những dòng máy chủ đạo hiện nay là máy xới đa năng thế hệ mới, có thể tích hợp tới 12 chức năng như: Xới đất, xới cỏ, trải nilon, lên luống, bón phân, phun thuốc, cuốc đất, cày bừa ruộng, bơm nước, san ủi, vun gốc, tra hạt.
Dòng máy này có ưu điểm là nhỏ gọn, động cơ Honda chính hãng, tiết kiệm nhiên liệu, dễ vận hành sử dụng trong khi giá thành chỉ bằng 1/2 - 1/3 các loại máy truyền thống.
Tuy nhiên, tại buổi giới thiệu nhiều nông dân cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, cho vay vốn để các HTX, nông dân đầu tư mua sắm máy móc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung ứng máy cần củng cố, thiết lập hệ thống mạng lưới các cơ sở phân phối, cung cấp, bảo hành, sửa chữa máy ở các địa phương; bố trí nguồn kinh phí cho công tác tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật sử dụng, bảo quản và sửa chữa máy nông nghiệp cho các tổ hợp tác, hộ nông dân sử dụng máy để nâng cao năng lực quản lý, sử dụng máy đạt hiệu quả kinh tế.
Ông Trịnh Đình Thể, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Thực tiễn đã chứng minh nhu cầu tiếp cận những thông tin khoa học công nghệ mới của nông dân là rất lớn; nông dân không ngại đầu tư nhưng vấn đề ở đây là bà con đang rất thiếu thông tin.
Do vậy, thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục làm cầu nối, tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn để cho người dân, các HTX tiếp cận với những thiết bị, công nghệ mới, sớm đưa vào áp dụng trong thực tế sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Hà Phương