Tiếng “tạch tạch” đanh gọn, vui tai của chiếc trống bỏi từng là âm thanh quen thuộc trong ký ức nhiều thế hệ người Việt, nhất là mỗi dịp Trung thu về. Ở làng Báo Đáp, phường Hồng Quang, nghề làm trống bỏi từng có thời kỳ hưng thịnh, nhà nhà tham gia sản xuất. Nhưng đến nay, cả làng chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Nguyễn Đức Hưởng kiên trì giữ lửa.
Vợ chồng ông Nguyễn Đức Hưởng, làng Báo Đáp, phường Hồng Quang hướng dẫn các cháu nhỏ làm trống bỏi.
Nửa thế kỷ giữ nghề
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống bốn đời làm đồ chơi dân gian, từ khi mới lên sáu, lên bảy, cậu bé Nguyễn Đức Hưởng đã được cha cầm tay chỉ việc, làm quen với từng lát giấy, que nứa và nhịp trống bỏi đầu đời. Gần sáu thập kỷ gắn bó, ông Hưởng vẫn say mê với từng chi tiết nhỏ trong quy trình sản xuất trống như thể đó là một phần máu thịt.
Theo ông, đặc trưng của đồ chơi dân gian nói chung và trống bỏi nói riêng nằm ở sự mộc mạc trong nguyên liệu và màu sắc. Trống bỏi truyền thống gồm cán, tang, mặt, khung và tay trống. Trước đây, cán làm bằng tre, đầu gắn 2 miếng nhôm đan chéo tạo bánh răng; tang là ống nứa rỗng bịt giấy; tay trống là que nứa nhỏ cố định bằng dây gai hoặc chỉ.
Khoảng 20 năm trở lại đây, nguyên liệu được thay thế bằng các vật liệu hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được dáng dấp và âm thanh truyền thống. Tang trống giờ được nặn từ đất sét, phơi khô, bọc giấy màu. Mặt trống có hai lớp: lớp giấy bìa dày và lớp giấy trắng nhuộm vàng, in hình ông sao đỏ. Âm thanh “đanh gọn, có hồn” của trống phụ thuộc vào sự chỉn chu trong từng khâu - từ dán mặt trống đến lắp tay trống sao cho vừa vặn.
Để tăng sản lượng mà vẫn giữ chất “xưa”, ông Hưởng từng thức trắng nhiều đêm cải tiến quy trình sản xuất. Một trong những sáng kiến hiệu quả là dùng khuôn ép nhựa (vốn dùng trong làm hoa lụa) để đúc cán trống, giúp tiết kiệm công sức và tăng năng suất. Nhờ đó, mỗi mùa Trung thu, gia đình ông có thể làm ra hàng chục nghìn chiếc trống bỏi, cung ứng cho các đầu mối ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh…
Dù vậy, xét về kinh tế, đây vẫn là nghề “lấy công làm lãi”. Một chiếc trống bỏi bán buôn chỉ khoảng 5.000 đồng; trừ chi phí, người làm lãi vài trăm đồng mỗi chiếc. Nhưng với ông Hưởng luôn tâm niệm, trống bỏi không đơn thuần là một sản phẩm kiếm sống, cái được lớn nhất chính là niềm vui và ý nghĩa văn hóa mà nghề đem lại.
Những chiếc trống bỏi thành phẩm do gia đình ông Nguyễn Đức Hưởng chế tác.
Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống
Nhận thấy giá trị văn hóa đặc sắc của nghề làm trống bỏi, thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức nhằm quảng bá và gìn giữ làng nghề truyền thống Báo Đáp. Chị Nguyễn Thị Anh - con gái ông Hưởng - đảm nhận vai trò “đại sứ” của làng nghề và thường xuyên đại diện gia đình tham gia trình diễn tại các sự kiện văn hóa, các buổi học ngoại khóa tại các trường học trong và ngoài tỉnh.
Chứng kiến trẻ em háo hức tự tay làm trống, nhiều phụ huynh xúc động nhớ lại tuổi thơ. Anh Trần Đức Ngọc (phường Nam Định) chia sẻ: “Tôi như sống lại tuổi thơ khi nghe tiếng đanh giòn của trống bỏi Báo Đáp. Nếu không có những chương trình hay các lớp dạy cách làm đồ chơi dân gian thì chẳng bao lâu nữa, thế hệ con em chúng ta sẽ không còn biết đến trống bỏi, tiến sĩ giấy, đèn kéo quân… những món đồ chơi thuần Việt từng gắn bó suốt cả thời thơ ấu”… Những lời tâm sự ấy không chỉ là cảm xúc cá nhân, mà còn là lời cảnh tỉnh về nguy cơ mai một của các giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại.
Một tín hiệu đáng mừng là hằng năm, vào dịp Tết Trung thu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đều mời gia đình ông Hưởng ra Hà Nội tham gia hướng dẫn thiếu nhi làm trống bỏi. Mỗi lần tham gia sự kiện tại Hà Nội, ông lại tranh thủ dạo quanh các phố Hàng Mã, Hàng Giấy, chợ Đồng Xuân… và không giấu nổi niềm vui khi thấy sản phẩm của mình hiện diện giữa các gian hàng: “Trống bỏi Báo Đáp đây!” - lời giới thiệu ngắn gọn nhưng đầy tự hào khiến người nghệ nhân già thêm ấm lòng.
Đặc biệt, sau đợt sắp xếp lại đơn vị hành chính năm 2025, xã Hồng Quang được sáp nhập thêm xã Nghĩa An và phường Nam Vân để thành phường Hồng Quang. Sự thay đổi không chỉ đơn thuần là tên gọi, mà còn mở ra cơ hội phát triển mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác bảo tồn, quảng bá làng nghề.
Trao đổi về định hướng, đồng chí Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Quang khẳng định: “Việc sáp nhập không làm mờ đi giá trị làng nghề truyền thống. Chính quyền địa phương sẽ có cơ chế hỗ trợ thiết thực cho nghệ nhân và hộ sản xuất; đồng thời phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các lớp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.”
Chị Nguyễn Thị Anh- con ông Nguyễn Đức Hưởng, làng Báo Đáp, phường Hồng Quang hướng dẫn học sinh làm trống bỏi.
Trống bỏi không đơn thuần là sản phẩm thủ công, mà là một phần di sản văn hóa quý báu của quê hương. Và trên hành trình gìn giữ ấy, nghệ nhân Nguyễn Đức Hưởng cùng gia đình không còn đơn độc. Họ đã có thêm sự đồng hành của cộng đồng, chính quyền và cả những tiếng trống bỏi vang lên nơi sân trường, góc phố…
Chia tay gia đình nghệ nhân Nguyễn Đức Hưởng, trên con đường nhỏ dẫn ra khỏi làng Báo Đáp, âm thanh “đanh đanh” của chiếc trống bỏi vẫn vang lên đâu đó. Thanh âm mộc mạc như nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, như lời nhắn nhủ: Những giá trị xưa, nếu được trân quý và gìn giữ, sẽ luôn có chỗ đứng trong đời sống hôm nay - bền bỉ, giản dị, mà đầy ý nghĩa.