Mỗi dịp đầu Xuân, vào Rằm tháng Giêng, đền Dâu, phường Nam Sơn (thành phố Tam Điệp) được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh lại mở hội. Theo hồ sơ di tích, đền Dâu thờ nhân vật chính là Mẫu Liễu Hạnh - bà chúa đã phù trợ Tả tướng quan Trịnh Tùng và vua Lê đánh nhà Mạc, giành đại thắng. Di tích gắn liền với sự kiện Hội quân của vua Quang Trung tại vùng đất Tam Điệp trước khi tiến quân đại phá 29 vạn quân Thanh. Hàng năm, người dân địa phương mở hội nhằm tưởng nhớ công ơn người có công với nước. Hội đền Dâu có những nghi thức cơ bản như hầu bóng, lễ tôn nhang và trình đồng, tục rước tượng và kéo chữ "Mẫu Nghi thiên hạ", "Thiên hạ Thái Bình" và "Lý Nhân vi mỹ". Tuy nhiên, hiện nay, tục rước tượng và kéo chữ chưa khôi phục được, chỉ còn lễ và tế nữ quan còn duy trì. Cụ Đinh Văn Khánh, Ban quản lý đền Dâu - Quán Cháo cho biết: Tương truyền hội đền Dâu là ngày hội đặt hom dâu và cũng là ngày mừng vua Quang Trung chiến thắng khải hoàn. Hội được mở vào Rằm tháng Giêng (ngày kỵ của mẫu Liễu Hạnh). Ca dao địa phương còn lưu truyền: "Dù ai đi đâu về đâu/Nguyên Tiêu lễ hội đền Dâu thì về…". Vào mùa hội, hàng nghìn du khách và người dân khắp các tỉnh, thành lại nô nức đến trẩy hội đền Dâu.
Lễ hội đền Thái Vi.
Vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm, đền Hạ, thôn Quan Đồng, xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư) cũng diễn ra lễ hội làng, thu hút nhân dân địa phương và nhân dân trong huyện tham gia. Đồng chí Phạm Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ cho biết: Đền Hạ được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hàng năm, lễ hội đền Hạ được thôn Quan Đồng tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của Côn Sơn Đại vương - vị thần có công với dân, với nước, được nhân dân thờ cúng và coi như phúc thần của làng. Lễ hội được diễn ra theo nghi thức truyền thống, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ rước kiệu, lễ dâng hương, lễ tế thần Côn Sơn. Phần hội, dân làng tổ chức các trò chơi dân gian nhằm khuyến khích nhân dân rèn luyện sức khỏe, với tinh thần đoàn kết và tạo không khí phấn khởi, vui tươi, như đánh vật, chọi gà, cờ tướng, múa kiếm, cầu lông, kéo co, cờ tướng, đu quay, bóng chuyền, múa găm, múa kiếm. Dự lễ hội, mỗi người được tận hưởng không khí đoàn kết, thân ái, ấm cúng, đậm đà tình yêu quê hương xứ sở, cũng là dịp để gắn kết tình thân, làm gia tăng tình đoàn kết, thân ái trong cộng đồng dân cư.
Với đặc điểm là lễ hội của nhân dân, do nhân dân sáng tạo, tổ chức và hưởng thụ, nên các lễ hội ở Ninh Bình mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân Ninh Bình trong suốt chiều dài lịch sử. Trên địa bàn tỉnh hiện có 225 lễ hội, trong đó 216 lễ hội được tổ chức định kỳ. Trong tỉnh có 1 lễ hội cấp tỉnh (Lễ hội Hoa Lư); 10 lễ hội cấp huyện; 17 lễ hội do cấp xã tổ chức; 189 lễ hội do thôn, phố tổ chức; 8 lễ hội do Ban quản lý di tích hoặc doanh nghiệp tổ chức. Các lễ hội chủ yếu có quy mô nhỏ (trên địa bàn thôn, xã), thời gian tổ chức lễ hội ngắn (từ 1 đến 1,5 ngày), phần nghi lễ và các hoạt động hội gọn nhẹ, số người tham dự ít, chủ yếu là nhân dân trong địa bàn xã có di tích và lễ hội. Là lễ hội truyền thống, hầu hết các lễ hội diễn ra vào mùa Xuân, trong thời gian từ đầu tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch. Ngoài Lễ hội Hoa Lư đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ở Ninh Bình còn khá nhiều lễ hội truyền thống có sức ảnh hưởng rộng và thu hút đông đảo con em xa quê về dự lễ hàng năm như: Lễ hội Đền Bình Hải, xã Yên Nhân (Yên Mô); Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê, xã Yên Từ (Yên Mô), Lễ hội đền Thái Vi, xã Ninh Hải (Hoa Lư), Lễ Khai hạ của cộng đồng người Kinh và Mường, xã Cúc Phương (Nho Quan); Lễ hội Vật làng Bồ Vi, xã Yên Thịnh (Yên Mô), Lễ hội Tràng An, Lễ hội Chùa Bái Đính…
Để lễ hội diễn ra vui tươi, ý nghĩa, công tác quản lý lễ hội được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã chủ động thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các đoàn thể quần chúng ở địa phương thực hiện các thủ tục đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật. Việc tổ chức hoạt động lễ hội từ khâu chuẩn bị đến việc hành lễ, tổ chức các hoạt động phần hội công phu, nghiêm túc. Các địa phương cũng xây dựng nội dung, chương trình, lựa chọn quy mô, cách thức tổ chức lễ hội lành mạnh, thiết thực, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phù hợp với phong tục, tập quán. Cùng với đó huy động xã hội hóa các nguồn lực, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội có nhiều chuyển biến, được cơ quan quản lý, các phương tiện truyền thông và người dân đánh giá cao. Trong các lễ hội, nghi thức phần lễ được thực hiện đảm bảo trang nghiêm, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo nên không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước. Nhiều phong tục tập quán, các nghi lễ, nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa được khôi phục, thu hút sự tham gia của người dân và du khách thập phương.
Bài, ảnh: Hồng Vân - Đinh Minh