Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã báo cáo tình hình dịch bệnh cúm A (H7N9), cúm A (H5N1) và các hoạt động tăng cường đáp ứng phòng chống dịch cúm ở người; Báo cáo tình hình và kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi. Theo đó, từ đầu năm 2014 đến nay, trên Thế giới đã ghi nhận 213 trường hợp mắc dịch cúm A(H7N9), trong đó có 20 trường hợp đã tử vong.
Tại Việt Nam, kết quả giám sát chủ động và hệ thống giám sát trọng điểm của các tỉnh, thành phố trong năm 2013- 2014 đã xét nghiệm trên 5600 mẫu bệnh phẩm, bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng không phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9). Mặc dù Việt Nam chưa có trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người cũng như trên gia cầm nhưng trước tình hình số ca mắc gia tăng đột biến tại Trung Quốc đã lan rộng đến các tỉnh biên giới giáp Việt Nam, đồng thời tình hình nhập lậu gia cầm diễn biến phức tạp khó kiểm soát, dẫn đến nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là rất cao.
Thông báo của Cục thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã có 64 ổ dịch tại 16 tỉnh. Trong đó đã ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm vi rút cúm A(H5N1). Ngoài ra tại một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ nên đã được phát hiện và xử lý kịp thời không để bệnh dịch lây lan.
Về tình hình dịch sởi, trong thời gian qua nhiều quốc gia trên khu vực Tây Thái Bình Dương đã ghi nhận các trường hợp mắc sởi như Trung Quốc, Philippin, Nhật Bản, đặc biệt tại Trung Quốc dịch sởi xuất hiện trên diện rộng và tại một số tỉnh, khu vực biên giới giáp ranh với Việt Nam gây ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh trong nước. Từ cuối năm 2013 đến nay cả nước ta đã có 18 tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó một số tỉnh, thành phố có số mắc cao hơn là Yên Bái, Lào Cai, Sơn La; Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Ninh Bình từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) và các chủng vi rút khác lây từ gia cầm sang người. Toàn tỉnh phát hiện 2 ổ dịch cúm A(H5N1) tại thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô) và xã Văn Phương (Nho Quan), đã công bố hết dịch. Riêng về bệnh sởi đã có 3 trường hợp dương tính với vi rút sởi (tại TP Ninh Bình; huyện Gia Viễn; huyện Yên Mô) và 1 trường hợp nghi ngờ tại huyện Yên Khánh. Hiện tại các trường hợp trên đã khỏi và ra viện. Qua điều tra dịch tễ cho thấy các trường hợp trên đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, hiện nay tình hình dịch bệnh cúm và sởi đang có diễn biến phức tạp, vì vậy các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ: Đối với bệnh sởi, đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em theo kế hoạch và quyết định của Bộ Y tế. Tập trung hướng dẫn cụ thể và có những ràng buộc để tăng cường trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành trong công tác tiêm chủng và phòng chống bệnh sởi. Ngành Khoa học kết hợp với các ngành liên quan tập trung nguồn lực để nghiên cứu và đẩy mạnh sản xuất các loại thuốc phòng, chống bệnh sởi cũng như dịch bệnh do các chủng vi rút cúm khác nhau gây ra.
Đối với công tác phòng, chống dịch cúm ở người, cần triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống các chủng vi rút cúm, đặc biệt là các chủng vi rút mới như vi rút cúm A/H7N9, nếu xuất hiện ở Việt Nam sẽ không bị bất ngờ, lúng túng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch cúm A/H7N9, không gây tâm lý hoang mang làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm.
Các cơ quan quản lý Nhà nước chủ động cung cấp thông tin để các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền kịp thời, đảm bảo chính xác và hiệu quả. Riêng các địa phương cần chủ động triển khai tốt các giải pháp phòng chống dịch cúm; tổ chức rà soát hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm và chỉ đạo quyết liệt các Sở, ban, ngành cùng các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội triển khai các hoạt động ứng phó với dịch bệnh theo kế hoạch của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & PTNT
Kết luận hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, phát hiện nhanh, báo cáo kịp thời những dấu hiệu, hiện tượng của dịch bệnh cúm ở người, để các cơ quan chức năng sớm đưa mẫu đi xét nghiệm, công bố kết quả và xử lý kịp thời. Ngành Y tế, các bệnh viện làm tốt công tác chuẩn bị, phương tiện, con người, dụng cụ y tế,….để sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống xấu xảy ra.
Với bệnh sởi, đề nghị Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành kế hoạch hành động cụ thể để triển khai có hiệu quả Quyết định số 601/QĐBYT của Bộ Y tế về việc phê duyệt "Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi". Trước hết cần thống kê đầy đủ số lượng trẻ đã được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sởi mũi 1, mũi 2 và chưa được tiêm phòng để tiến hành tiêm phòng theo kế hoạch. Đồng thời tổ chức tuyên truyền để nhân dân hiểu và tích cực đưa con em đến tiêm phòng bệnh sởi.
Hồng Giang - Đức Lam