Theo ông Phạm Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế kiêm Đội trưởng Đội y tế dự phòng huyện Gia Viễn: Số ca bệnh truyền nhiễm thường tăng đột biến trong mùa mưa lũ. Khi lũ lụt xảy ra, các mầm bệnh lây lan theo nước. Sự di chuyển của người dân cùng với nguồn nước, công trình cấp nước và công trình vệ sinh bị phá hủy sẽ làm tăng nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, sự mệt mỏi của người dân cùng những thay đổi sinh thái sẽ tạo thuận lợi cho sự sinh sản của vật chủ trung gian truyền bệnh, khiến cho các bệnh truyền nhiễm như: Tiêu chảy, dịch tả, thương hàn… dễ lây lan.
Vì thế, Đội y tế dự phòng huyện đã khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là khi mùa mưa bão sắp tới. Cụ thể, trước khi nước vào, mỗi gia đình cần chuẩn bị nắp và nylon để bịt miệng giếng khơi, giếng khoan trước khi bị ngập úng. Trong trường hợp giếng nước bị ngập, các hộ dân cần xử lý bằng phèn chua với liều lượng 1g/20 lít nước. Nếu không có phèn chua, thì dùng vải sạch lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm nhiều lần cho tới khi nước trong. Cần dùng Cloramin B để khử trùng nước sinh hoạt.
Sau khi nước rút, các địa phương cần hướng dẫn nhân dân xử lý xác súc vật bằng cách phun hóa chất diệt côn trùng, tưới dầu hỏa lên xác súc vật để chống sự xâm nhập của các loài ăn thịt và côn trùng, đợi khi nước rút đem chôn. Nước rút tới đâu, vệ sinh môi trường tới đó. Đối với nguồn thực phẩm, Đội y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chuẩn bị sẵn thực phẩm khô, có thể để lâu. Những động vật ốm, chết phải đem chôn chứ không được giết thịt. Đặc biệt là không được sử dụng rau sống trong mùa lũ…
Những nội dung khuyến cáo trên đã được đài truyền thanh các xã phát nhiều lần trong ngày. Bà Quách Thị Yến, Trưởng trạm Y tế xã Gia Phong cho biết: "Ngay sau khi được cán bộ Trung tâm Y tế huyện về tập huấn, Trạm y tế xã đã phối hợp với đài truyền thanh xã, các tổ chức đoàn thể: Thanh niên, phụ nữ… đã tới từng hộ gia đình để tuyên truyền, phát tờ rơi nhằm phổ biến sâu rộng những biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ tới từng người dân.
Nhớ lại năm 2007, người dân chủ quan không chuẩn bị thuyền, nên đã xảy ra tình trạng không có phương tiện để đi lại trong những ngày lũ lụt. Năm nay, Trạm y tế xã đã đưa nội dung này vào kế hoạch để tuyên truyền". Chị Đào Thị Sen, xã Gia Phong chỉ vào mấy can nước mưa ở góc nhà cho biết: "Nhà tôi hầu như năm nào cũng bị ngập úng, hậu quả thế nào tôi hiểu rất rõ. Năm nay tôi chuẩn bị sẵn nước sạch trong can, đủ để dùng trong những ngày mưa lũ.
Từ đầu tháng 4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện đã thường xuyên cử cán bộ về các xã (đặc biệt là những xã trọng điểm) kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện: Chế độ trực, trang thiết bị, thuốc men… của các trạm y tế. Trong kế hoạch "tác chiến" với lũ, Đội y tế dự phòng huyện đã thành lập 2 tổ y tế lưu động, sẵn sàng đi dập dịch dưới sự điều động của Trung tâm y tế trong trường hợp bão lụt và dịch bệnh xảy ra. Đội còn thành lập một tổ hậu cần làm nhiệm vụ thường trực cung ứng thuốc men, cơ sở vật chất chống dịch và bổ sung người khi cần thiết.
Ông Phạm Ngọc Linh cho biết: "Năm nay, Trung tâm Y tế dành 2 phòng cách ly tại khoa Lây để đón bệnh nhân bị nhiễm dịch bệnh trong mùa mưa lũ. Đội y tế dự phòng cũng đã lập dự toán chuẩn bị 5 cơ số thuốc phòng, chống dịch. Khi dịch bệnh xảy ra, Đội sẽ cấp phát cho người dân các loại thuốc thiết yếu như: Phèn chua, Cloramin B, Crerin, thuốc trị nước ăn chân, thuốc nhỏ mắt và hóa chất diệt ruồi muỗi… Trung tâm cũng đã có kế hoạch đề nghị cấp trên hỗ trợ về nhân lực và vật tư chống dịch trong trường hợp xảy ra dịch lớn, cố gắng không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu giường cho bệnh nhân. Như vậy, công tác chuẩn bị phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mùa mưa lũ của ngành Y tế huyện Gia Viễn đã sẵn sàng".
Thu Hằng