Trong những năm qua, chăn nuôi lợn được xem là thế mạnh của nông dân xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn. Tuy nhiên thời điểm hiện tại người chăn nuôi xã Kim Mỹ đang phải đối mặt tình trạng thua lỗ với tâm trạng ngao ngán do giá lợn hơi xuống quá thấp.
Có thâm niên nuôi lợn cả chục năm nay, ông Trịnh Duy Tân, thôn Tân Khẩn cho biết: Giá lợn hơi bắt đầu giảm từ khoảng tháng 8 năm ngoái và kéo dài sang đến năm nay nhưng khoảng 1 tháng nay giá mới giảm mạnh. Hiện tại, giá lợn bán tại chuồng chỉ còn 18-20 nghìn/1kg; thậm chí có lúc, có hộ chỉ bán với giá 11 nghìn đồng/kg.
Cũng theo ông Tân, từ khi nuôi lợn đến nay chưa bao giờ ông phải chịu giá xuống đáy như năm nay, người nào nuôi nhiều lỗ nhiều, nuôi ít lỗ ít. Có những hộ nuôi lợn nhưng không có vốn, trong khi đó các đại lý cám không cho mua nợ nữa. Không có thức ăn, có hộ phải đuổi cả lợn ra đường để chúng kiếm gì ăn nấy; có hộ thì lợn to, chuồng chật, cạn vốn nên bằng giá nào cũng phải bán, thương lái ép xuống 11-12 nghìn đồng/kg cũng bán.
Ông Tân tâm sự: "Có chút vốn liếng, lại chủ động được nguồn cám nên hiện gia đình vẫn đang duy trì 150 con lợn nái. Mỗi tháng chi phí hết gần 150 triệu đồng tiền điện, cám, nhân công... Lợn con sinh ra mà giá xuống thấp thì cũng chẳng có ai mua về nuôi. Năm ngoái 1 con lợn giống giá 1,5-1,6 triệu đồng/con nay chỉ còn 450 nghìn đồng/con.
Cũng giống như ông Tân, anh Nguyễn Văn Công, thôn Tây Hải cho hay: Gia đình hiện có 60 con nái và một ít lợn thịt. Hôm qua, anh vừa bán 40 con với giá có 18 nghìn đồng/kg trong khi ít nhất giá phải được 29 nghìn đồng/kg mới "hòa vốn".
Nhưng nếu không bán thì không có tiền trả tiền cám nên rẻ cũng phải bán thôi. Bán để lấy tiền quay vòng cho những con còn lại: "Thực sự, chưa năm nào nuôi nhiều, bán được nhiều lại muốn khóc nhiều như năm nay "- Anh Công than thở.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Mỹ được biết: Trên địa bàn xã có khoảng 2.000 hộ nuôi lợn, trong tổng số 3.200 hộ của xã; trong đó có khoảng 5 hộ chăn nuôi lớn với số đầu lợn lên tới 700 đến 800 con. Trung bình mỗi năm xã phát triển tổng đàn lợn lên tới hàng vạn con. Giá lợn xuống thấp, người dân lao đao.
Hiện tại, hầu hết hộ chăn nuôi đã bán đổ bán tháo để cắt lỗ, có hộ tự xoay xở bằng cách giảm giá trị đầu tư, hãm mức tăng trọng để kéo dài thời gian xuất chuồng đợi giá lên. Hiện chính quyền xã cũng chưa có giải pháp nào để giúp đỡ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trước mắt, chúng tôi chỉ biết tuyên truyền người dân không vì giá xuống thấp mà bỏ bê chuồng trại, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tình trạng của các hộ chăn nuôi ở xã Kim Mỹ cũng là tình trạng chung của nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh. Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở Nông nghiệp & PTNT): Từ khoảng đầu năm 2016, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đầu tư mạnh vào chăn nuôi lợn nên tổng đàn tăng nhanh.
Đến thời điểm cuối năm 2016, mặc dù giá lợn hơi đã giảm nhưng do gần Tết Nguyên đán nên bà con vẫn tiếp tục vào đàn. Do vậy hiện tại, mặc dù nhiều hộ thua lỗ phải treo chuồng, ngưng nuôi nhưng tổng đàn lợn vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái với khoảng 450 nghìn con, trong đó đàn lợn nái là 90 nghìn con.
Trước tình hình giá lợn giảm mạnh như hiện nay, ngành nông nghiệp đang tìm các giải pháp để hỗ trợ nông dân, trong đó có việc đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi giảm giá bán thức ăn, các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ chăn nuôi, đồng thời khuyến khích, kêu gọi các bếp ăn ở các khu công nghiệp, lực lượng vũ trang tăng cường tiêu thụ thịt lợn.
Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát tình hình chăn nuôi trên địa bàn, tuyên truyền hướng dẫn các hộ chăn nuôi, chủ trại cần bình tĩnh, có biện pháp giảm đàn, duy trì chăn nuôi hợp lý.
Hà Phương