Chị Nguyễn Thị Huệ, thành phố Ninh Bình cho biết: Gia đình tôi có 4 người, chỉ dùng các thiết bị cơ bản như tivi, nồi cơm điện, đèn chiếu sáng, tủ lạnh, bình nóng lạnh và điều hòa…, lượng tiêu thụ trung bình những tháng không chạy điều hòa là hơn 300 số điện, phải thanh toán với số tiền trên 750.000 đồng. Theo cách tính giá điện mới tăng từ cuối tháng 3 thêm 8,36% theo đề xuất của Bộ Công thương, mỗi tháng gia đình sẽ chi trả thêm ít nhất 60 nghìn đồng nữa. Đặc biệt khi vào hè, phải dùng điều hòa thường xuyên, số tiền điện tăng thêm theo cách tính mới có thể lên 100-150 nghìn đồng/tháng. Nếu cộng thêm chi phí phát sinh từ điện, xăng... và các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm...tăng theo thì chi phí cho một gia đình cũng sẽ tăng đáng kể. Đây là áp lực lớn cho các gia đình chỉ có thu nhập chính từ lương.
Có một điểm đáng lưu ý, đợt điều chỉnh giá điện lần này có tỷ lệ cao hơn, giá xăng dầu vừa được điều chỉnh nên chắc chắn mức độ tác động đến các ngành kinh tế khác sẽ lớn hơn so với hồi cuối năm 2017. Chính vì thế, nhiều người dân lo ngại, tiền điện tăng, giá xăng tăng sẽ khiến giá hàng hóa khác tăng theo. Nhiều người đặt vấn đề nếu tính tác động của việc tăng giá điện tới đời sống thì phải tính cả trực tiếp, gián tiếp và Nhà nước phải có chính sách kìm giá hàng hóa.
Nếu xét về nguyên lý thị trường thì càng tiêu dùng nhiều, giá sẽ càng giảm. Tuy nhiên, theo ý kiến của lãnh đạo ngành Công thương: Điều này chỉ nên áp dụng đối với những nhóm hàng khuyến khích tiêu dùng. Còn với những mặt hàng không khuyến khích tiêu thụ nhưng gây tác động nhiều tới môi trường thì cần có chính sách hạn chế. Điện là ngành đầu vào của cả nền kinh tế. Trong khi đó, sản xuất điện chủ yếu vẫn dựa vào thủy điện và nhiệt điện. Do đó, không khuyến khích hoặc phải tính với mức giá cao hơn đối với những khách hàng tiêu dùng điện nhiều như luyện thép hay xi măng bởi bản thân những ngành này đã tác động tiêu cực trực tiếp đến môi trường, khi sử dụng quá nhiều điện lại thêm một tầng tác động gián tiếp nữa tới môi trường.
Khi được hỏi ý kiến về việc tăng giá điện thêm 8,36%, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng vì điện tăng giá thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến giá thành đầu vào, chi phí sản xuất trong bối cảnh doanh nghiệp đang cố gắng giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh. Ông Trần Hưng, chủ một xưởng sản xuất cơ khí ở Hoa Lư cho rằng, tăng giá điện sẽ gây khó khăn cho các đơn vị sử dụng nhiều lao động, nhiều máy móc liên quan đến điện năng như trong ngành sản xuất, chế tạo. Nếu muốn có lãi sẽ phải tăng giá bán sản phẩm để bù chi phí giá điện tăng, chi phí vận chuyển, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào. Tất cả những chi phí đó cuối cùng người tiêu dùng sẽ phải "gánh". Đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ bị suy giảm nếu không có tiềm lực để cải tiến máy móc, kỹ thuật...
Có thể thấy, điện là mặt hàng thiết yếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, với cách tính giá điện như hiện nay càng dùng nhiều người tiêu dùng càng phải trả thêm nhiều tiền thì người dân và doanh nghiệp phải tự mình tính toán để có giải pháp tiết kiệm điện, cắt giảm các chi phí liên quan, đồng thời sử dụng các thiết bị có mức tiêu hao năng lượng thấp. Đối với các doanh nghiệp cần tính đến giải pháp cải tiến máy móc, kỹ thuật để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Bảo Yến