Quy mô của Liên hoan các CLB nghệ thuật hát Xẩm tỉnh Ninh Bình năm 2022 tuy không thể so sánh với Liên hoan hát Xẩm các tỉnh phía Bắc 2019 hay Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng 2022, tuy nhiên đây vẫn là "đại tiệc" về văn hóa với người dân Yên Mô nói riêng và người yêu Xẩm Ninh Bình nói chung. Điều ý nghĩa hơn là Liên hoan lại diễn ra trên chính mảnh đất Yên Mô, nơi thuở sinh thời cố NSƯT Hà Thị Cầu từng sống và biểu diễn.
Hơn 20 tiết mục Xẩm được chọn lọc, biểu diễn từ chính những nghệ nhân dân gian, trong đó có cả những truyền nhân của chính cụ Cầu. Còn khán giả là những người dân lao động, những người bình dân một thời đã từng say mê tiếng hát của U Cầu. Có thể nói, việc Sở Văn hóa và Thể thao quyết định tổ chức Liên hoan trên chính quê hương Yên Mô có thể ví như một nén tâm nhang gửi tới U Cầu, một sự tri ân những di sản quý báu mà "người hát rong cuối cùng của thế kỷ XX" đã trao truyền lại.
Thuở sinh thời, cố NSƯT Hà Thị Cầu từng không ngừng trăn trở rằng khi cụ khuất núi, Xẩm có nguy cơ thất truyền. Nay, với sự kiện Liên hoan này, có thể khẳng định, Xẩm không những không bị mai một, thất truyền mà ngày càng phát triển.
Cô Nguyễn Thị Mận, con gái ruột của cụ Cầu, đồng thời là Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu chia sẻ: "CLB Xẩm của chúng tôi đã tham gia nhiều kỳ liên hoan, hội diễn. Tuy nhiên, đây là một kỳ liên hoan nhiều cảm xúc. Bởi vì liên hoan diễn ra ngay chính trên quê hương Yên Mô - nơi mẹ tôi đã sống và hát suốt nhiều năm. Tôi cũng được biết, có tới 8 CLB tham gia liên hoan, trong đó có 3 CLB của các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn. Như vậy chứng tỏ, Xẩm ở thời điểm hiện tại không còn bó hẹp trên mảnh đất Yên Phong hay trong huyện Yên Mô nữa, mà đã lan tỏa sâu rộng đến các địa phương khác. Tôi mong sẽ có thêm nhiều kỳ liên hoan như thế này được tổ chức, để Xẩm ngày càng phát triển và có chỗ đứng trong đời sống văn hóa tinh thần mỗi người dân".
Cùng chung suy nghĩ về sức lan tỏa sâu rộng của nghệ thuật hát Xẩm, nghệ nhân Phạm Ngọc Giới, Chủ nhiệm CLB hát Xẩm huyện Yên Khánh bày tỏ: CLB hát Xẩm huyện Yên Khánh mới thành lập và ra mắt chưa lâu với 35 thành viên, tuy nhiên chúng tôi cũng cố gắng chuẩn bị 3 tiết mục tham gia Liên hoan. Lần này đến đây, chúng tôi cố gắng học hỏi, trau dồi, rút kinh nghiệm để sau Liên hoan sẽ về xây dựng, phát triển CLB, với mong muốn nhân rộng phong trào hát Xẩm ở huyện Yên Khánh.
Trước kia, nói đến Yên Khánh, người ta thường nhớ tới Chèo, nhớ tới nghệ thuật Múa Trống. Tuy nhiên, với nội lực phong trào, sự quan tâm của các cấp, các ngành, thời gian gần đây, loại hình hát Xẩm cũng dần được khơi dậy, phát triển. Tôi tin vào triển vọng phát triển của CLB hát Xẩm huyện Yên Khánh trong tương lai. Cá nhân tôi cũng thấy rằng sức phát triển của nghệ thuật hát Xẩm thời gian gần đây rất nhanh và mạnh, đặc biệt qua kỳ liên hoan lần này thêm lần nữa khẳng định điều đó.
Nghệ thuật hát Xẩm, bản thân vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, nhưng nhìn rộng ra nó là một thành tố của văn hóa truyền thống. Chúng ta càng bảo tồn, phát huy tốt hát Xẩm cũng có nghĩa là chúng ta đang bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, làm giàu có thêm di sản của cha ông. Điều này có tác dụng vô cùng to lớn, khó mà đo đếm được. Trong điều kiện hiện nay, khi mà nhiều phương tiện giải trí hiện đại có phần lấn át các loại hình nghệ thuật truyền thống, thì những kỳ liên hoan như thế này giúp khơi dậy sức mạnh của văn hóa cổ truyền, chống lại sự lai căng, tôn vinh hơn nữa bản sắc văn hóa truyền thống...
Thưởng thức các tiết mục tại liên hoan có thể nhận thấy, từ những làn điệu cổ thời cố NSƯT Hà Thị Cầu, các làn điệu Xẩm cổ như: xẩm Thập ân, Riềm huê, Chênh boong, Hà Liễu, Ba bậc... vẫn được gìn giữ và bảo tồn, các nghệ nhân mang đến liên hoan những tiết mục đã phát triển, sáng tạo thêm từ những làn điệu Xẩm cũ nhưng đặt lời mới rất ý nghĩa như: Yên Mô giàu đẹp, Quê em cấy lúa làm màu, Kim Sơn quê mình, Đinh Tiên Hoàng Đế hiển linh...
Điểm đáng quý là Xẩm tuy sáng tạo phát triển để thích nghi với bối cảnh diễn xướng mới, thích nghi với đời sống hiện đại nhưng vẫn giữ được hồn Xẩm, chất Xẩm. Đó là lối diễn xướng dân gian dễ hiểu, dễ nhớ, lời Xẩm vừa như tha thiết, tâm sự, nhắn nhủ đi vào lòng người, lay động tâm thức. Đó cũng là lý do vì sao tại kỳ liên hoan này, rất đông khản giả là người dân lao động theo dõi, cổ vũ. Hơn 20 tiết mục hát Xẩm tại liên hoan đã làm lay thức trái tim của công chúng, mang lại cho người dân Yên Mô những cảm xúc nghệ thuật tuyệt vời. Đây chính là một sự thành công của các nhà tổ chức liên hoan.
Bên cạnh đó, liên hoan tạo cơ hội để các nghệ sỹ, diễn viên được giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng biểu diễn nghệ thuật hát Xẩm, đồng thời thông qua liên hoan nhằm thúc đẩy phong trào tập luyện bộ môn hát Xẩm tại các địa phương, khuyến khích việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật này trong đời sống văn nghệ quần chúng.
Ninh Bình là địa phương đang tích cực phát triển du lịch, trong đó văn hóa là một trong những tài nguyên quan trọng, quý giá, góp phần lan tỏa sức thu hút du khách đến với Ninh Bình. Trong điều kiện nghệ thuật hát Xẩm đã đươc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản phi vật thể Quốc gia, chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan nghĩ tới chuyện trong tương lai không xa, nghệ thuật hát Xẩm có thể trở thành một sản phẩm du lịch đưa vào phục vụ du khách tương tự như hát Quan họ Bắc Ninh, Ca Huế…
Phương Nam