Những ngày giữa tháng Tư, Đền Thái Vi đang được khẩn trương hoàn thiện các hạng mục công trình, tạo cảnh quan rộng rãi, linh thiêng, đẹp mắt cho ngôi đền thờ các vị vua Trần. Ông Chu Văn Thim, Thủ từ Đền Thái Vi, người làng Văn Lâm, xã Ninh Hải cho biết: Toàn bộ kinh phí trùng tu, tôn tạo, nâng cấp ngôi Đền được đầu tư xây dựng từ năm 2015 đến nay đều được xã hội hóa, do một số gia đình tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phát tâm công đức. Hiện các hạng mục nhà dẫn, nhà khách và nhà thủ từ bên đông Đền, hệ thống điện và đèn chiếu sáng tại Đền… đã được hoàn thiện. Còn lại các hạng mục như: Hoàn thiện gác Chiêng, gác Trống bằng gỗ; lát đá toàn bộ sân khuôn viên trong và ngoài Đền; làm tường bao sân Giếng Ngọc; chỉnh trang lại cảnh quan khuôn viên… cũng đang được những người thợ có tay nghề cao về nghề gỗ và nghề đá trên địa bàn huyện Hoa Lư khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, dự kiến khoảng 1 tuần nữa là hoàn thiện toàn bộ Đền thờ, sẵn sàng cho lễ khai hội Đền Thái Vi năm 2018.
Ông Chu Văn Thim năm nay đã vào tuổi 80, ông nhận nhiệm vụ trông coi Đền Thái Vi từ năm 2000 - ngôi Đền đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia năm 1994, đến nay ông đã có gần 20 năm gắn bó với ngôi Đền.
Ngoài việc trông coi, gìn giữ những di tích hiện có, khi có khách tham quan, ông Thim lại lưu loát, say mê kể về lịch sử ngôi Đền, về thời đại nhà Trần trong lịch sử phong kiến Việt Nam, về những lần đánh thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần, về những giá trị đặc biệt chỉ có ở ngôi đền Thái Vi như cột đá, xà đá chạm trổ hoàn toàn thủ công... Rồi ông trân trọng ghi nhận, tri ân những tấm lòng công đức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để Đền Thái Vi được trùng tu, tôn tạo khang trang, bề thế và to đẹp như ngày hôm nay… Lúc rảnh hoặc khi có yêu cầu, ông Thim lại chơi đàn tranh, đàn bầu phục vụ du khách muốn tìm hiểu về nhạc dân tộc, nhạc truyền thống của Việt Nam.
Ông Thim cho biết, thiết kế của Đền Thái Vi chính gồm: Gian giữa của Bái đường, trên cao treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng có bốn chữ Hán lớn "Long đức chính trung", Bái đường thờ công đồng trên bệ đá. Tiếp theo là ba gian Trung đường với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng bốn cột, đều được chạm khắc nổi long vân. ở đây đặt nhang án đá.
Hai bên có đôi hạc gỗ cao 2 mét và hai bộ chấp kích thờ sơn son thiếp vàng. Qua Trung đường vào năm gian chính tẩm có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: cầm, kỳ, thi, họa. Điều độc đáo ở Đền Thái Vi là tất cả các cột đều làm bằng đá xanh nguyên khối cao to, được chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ, đường nét uyển chuyển, tao nhã như chạm gỗ. Di tích cổ nhất còn lưu giữ tại đây là: Nhang án, cột đá, hòm sắt, bàn thờ, gác chuông (xây dựng năm 1689, quả chuông cũng được đúc từ năm đó).
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm nay lễ hội Đền Thái Vi được tổ chức theo quy mô cấp huyện, nằm trong các hoạt động Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt. Theo đó, Lễ hội sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 29 đến 30/4/2018 (ngày 14 và 15/3 âm lịch). Lễ hội được tổ chức gồm phần lễ và phần hội.
Trong đó, phần lễ gồm: Nghi thức khai hội, lễ dâng hương, lễ rước kiệu, tế lễ cổ truyền, lễ tạ và phần hội gồm các hoạt động: Đua thuyền, thi kéo co, giao lưu bóng chuyền, thi cờ người, thi chọi gà, tổ tôm điếm… Lễ hội là dịp để người dân huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình và nhân dân trong cả nước tưởng nhớ tới công lao của các vua Trần; đặc biệt là vua Trần Thái Tông - người đã về chiêu dân, lập ấp, xây dựng căn cứ địa Văn Lâm, làm hậu cứ để chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285.
Khi về dự hội Đền Thái Vi, mỗi người không chỉ được đắm mình trong bầu không khí linh thiêng của các phần lễ, mà còn lắng nghe những âm thanh rộn ràng, sôi động của các trò chơi dân gian trong phần hội. Và đặc biệt hơn, bao quanh Đền Thái Vi, du khách có thể nhìn ngắm cảnh núi non bao la, mây bay bảng lảng, non nước hữu tình, thấy tâm hồn mình thảnh thơi như ở chốn bồng lai; đồng thời có thể cùng gia đình tham quan nhiều danh thắng nổi tiếng, đẹp mê hồn của huyện Hoa Lư như: Tam Cốc - Bích Động, Động Tiên, Xuyên Thủy động hay Khu du lịch sinh thái Tràng An…
Bài, ảnh: Hạnh Chi