Em Đinh Thị Thúy Hà, học sinh trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) vui vẻ cầm chữ Trí tuệ đặt lên ban thờ Danh nhân Trương Hán Siêu với mong muốn bước vào năm mới học hành thêm giỏi giang, chăm ngoan, khỏe mạnh. Em cho biết, đã mấy năm nay, em và mẹ đều đến xin chữ của thầy Thích Minh Quang về treo trên giá sách học tập như để nhắc nhở mình luôn phải cố gắng học tập, rèn luyện tốt để đạt danh hiệu con ngoan, trò giỏi. Năm nay em còn rủ thêm mấy bạn học cùng lớp đi xin chữ, ai cũng háo hức và hồi hộp khi nhận được chữ do sư thầy trao tặng. Đối với ông Đỗ Văn Trọng, xã Ninh Vân (Hoa Lư) lại là một sự tình cờ nhưng rất thú vị vì ông không chỉ xin được chữ mình ưng ý mà còn thêm trân trọng tấm lòng của những người muốn gìn giữ nét đẹp đã có từ thời cha ông. Ông Trọng cho biết: Mấy hôm Tết thời tiết đẹp, ông được các con cho đi thăm hầu hết các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình.
Hôm nay đi thăm thú núi Non nước và Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, thấy hoạt động cho chữ diễn ra ý nghĩa ông vội vào đề xuất xin sư thầy cho chữ "Tâm". Bởi theo ông, trong cuộc sống, mọi việc làm, suy nghĩ, cư xử đều nên bắt đầu bằng cái tâm (tấm lòng) và khi con người sống có tâm thì làm gì cũng kín kẽ, chân thành và tốt bụng…
Mặc dù hoạt động xin và cho chữ chỉ diễn ra trong buổi sáng, nhưng càng về cuối buổi, lượng người đến xin chữ càng đông hơn. Có những đoàn xe đi tham quan du lịch hàng chục người cũng đều dừng vào xin chữ. Và dù lượng người có lúc khá đông nhưng mọi người đều rất ý thức và trật tự xếp hàng chờ đến lượt mình.
Ai đến trước được xin chữ trước, ai đến sau nhận chữ sau. Cả người cho chữ và xin chữ đều rất từ tốn, trật tự và kiên nhẫn. Nét mặt người xin chữ luôn háo hức, trân trọng và như giãn ra hài lòng khi nhận được những chữ mà mình tâm đắc, thể hiện đầy đủ ước nguyện của bản thân và gia đình trong năm mới.
Mỗi chữ viết ra chỉ mất thời gian từ 30 giây đến 1 phút tùy thuộc độ dài - ngắn của chữ, nhưng thời gian chờ ráo mực và khô có khi mất hàng chục phút, nhưng ai cũng vui vẻ, bình thản chờ chữ thật khô mới cuốn lại mang về. Hầu hết mọi người khi nhận được chữ viết tặng của Thượng tọa Thích Minh Quang đều trân trọng đặt lên Ban thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu, thắp hương kính cẩn cầu mong một năm mới đạt được những điều tốt đẹp như con chữ vừa xin được…
Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh cho biết: "Viết chữ - cho chữ và xin chữ đầu Xuân là một phong tục đẹp, mang ý nghĩa văn hóa cao, biểu hiện cho ước mơ, hy vọng hướng tới chân- thiện- mỹ trong cuộc sống của con người và hiện phong tục này đã được khôi phục. Bản thân tôi không ngại vất vả, mất thời gian, nhiều năm nay tham gia cho chữ tại Đền thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu.
Điều vui mừng nhận thấy là, theo hàng năm, số lượng người đến xin chữ ngày càng tăng, trong đó số bạn trẻ và các em học sinh đến ngày càng nhiều, khẳng định, thế hệ trẻ đã biết hướng đến những phong tục đẹp của cha ông xưa, trân trọng việc học, những việc tốt đẹp, lành mạnh…
Mặc dù có lúc khá đông người chờ đến lượt để xin chữ, nhưng khi viết, tôi không vội vàng viết để cho xong, mà thường vừa viết vừa giảng giải từng nét chữ cho người xin chữ để họ hiểu ý nghĩa của từng con chữ và phấn đấu làm theo, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống…"
Cũng theo Thượng tọa Thích Minh Quang, những người đến xin chữ gồm đủ mọi lứa tuổi, nhiều thành phần và đa dạng ngành nghề. Khi đến xin chữ, người cho chữ thường nhìn người xin chữ và làm thêm nhiệm vụ "tư vấn":
Người trung niên nên xin chữ Tâm, chữ Đức, chữ Nhẫn; nam thanh, nữ tú xin các chữ: Danh, Duyên, Hiếu, Trung; người trẻ tuổi, còn đang đi học, xin chữ Thành đạt, Đăng khoa, Trí tuệ, Chí hướng; khi biếu, tặng bố mẹ xin chữ Tâm, An khang, Bình An; mừng các cụ cao tuổi không thể thiếu chữ Phúc, Lộc, Thọ...
Đối với những người làm nghề buôn bán, kinh doanh nên xin các chữ Lộc, Tín, Thành công, Phát đạt.... Mỗi chữ thường ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc và mang một niềm tin, tâm tư, mong ước nào đó, nhưng tất cả đều hướng đến một cuộc sống may mắn, an lành, mạnh khỏe, hạnh phúc.
Ông Lê Văn Toại, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh cho biết: Vào đầu xuân năm mới, cùng với nhiều hoạt động trong chương trình "Mùa xuân khuyến học" như khen thưởng, trao quà, tặng học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, tuyên dương gia đình, dòng họ hiếu học; các cấp hội khuyến học trong tỉnh còn đẩy mạnh phong trào quyên góp, ủng hộ Quỹ khuyến học, khuyến tài nhằm không ngừng tăng số lượng quỹ, tạo điều kiện cho các em học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó học giỏi… được hưởng lợi từ các nguồn quỹ, quyết tâm học tập tốt.
Nhiều năm nay, với tấm lòng của mình, Thượng tọa Thích Minh Quang đều dành thời gian, công sức, trí tuệ và kinh phí để duy trì hoạt động cho chữ và ủng hộ số tiền từ cho chữ vào Quỹ khuyến học của tỉnh. Số tiền hàng chục triệu đồng và việc làm ý nghĩa của Thượng tọa đã góp phần động viên, hỗ trợ những học sinh nghèo vượt khó, học sinh học giỏi tiếp tục được quan tâm, trao thưởng kịp thời, nhân lên những việc làm ý nghĩa trong công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh ta.
Mỹ Hạnh