P.V: Thưa ông, văn học nghệ thuật luôn được xem là thứ vũ khí sắc bén trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng của Đảng, được Đảng chăm lo, bồi dưỡng. Xin ông cho biết đánh giá khái quát về những đóng góp của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà đối với sự phát triển của đời sống xã hội trong nhiệm kỳ qua?
Ông Nguyễn Đăng Hào: Văn học nghệ thuật Ninh Bình qua 5 năm hoạt động tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong khu vực và cả nước. Các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật đã tập trung đề cập nhiều hơn đến các vấn đề của đời sống và tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội. Công tác phổ biến, bảo tồn và phát triển các loại hình văn học nghệ thuật địa phương được phát huy có hiệu quả.
Hình ảnh con người, vùng đất Ninh Bình in đậm nét hơn trong sáng tác. Các phương thức mở rộng giao lưu, trao đổi, phổ biến, tuyên truyền tác phẩm được chú trọng. Nhiều tác giả và tác phẩm được dư luận trong cả nước biết đến, đánh giá cao. Sáng tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tuyên truyền biển đảo, tuyên truyền những sự kiện nổi bật của tỉnh, của đất nước được quan tâm chỉ đạo thường xuyên.
Hoạt động của các chuyên ngành, chi hội đã có sự chuyển biến rõ nét về chiều sâu, nhiều chuyên ngành đạt thành tích xuất sắc, nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích cao, nhiều tác phẩm có chất lượng tốt phục vụ các nhiệm vụ chính trị địa phương.
Trong hoạt động, Hội luôn bám sát và quán triệt định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam để thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, bồi dưỡng nghiệp vụ, mở các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế ở tất các các loại hình chuyên ngành cho hội viên thâm nhập thực tế sáng tác, đặc biệt chú trọng tới các vùng sâu, vùng xa trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm Hội tổ chức 5 đến 6 trại sáng tác và đi thực tế; nội dung các cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, hội thảo, tọa đàm văn học nghệ thuật ngày một đa dạng, phong phú về thể loại, đề tài, hấp dẫn người xem.
P.V: Thời gian qua Hội đã có giải pháp gì nhằm chăm lo phát triển đội ngũ, để anh em văn nghệ sỹ có cơ hội trao đổi nghiệp vụ, mở rộng tầm nhìn, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh?
Ông Nguyễn Đăng Hào: Từ năm 2009 đến nay Hội đã kết nạp 30 hội viên thuộc 8 chuyên ngành, chất lượng hội viên mới kết nạp qua các năm tăng rõ nét. Trong 5 năm hoạt động Hội đã tổ chức cho 205 lượt hội viên đi thâm nhập, thực tế sáng tác dài ngày ở mọi miền Tổ quốc. Mở trại sáng tác cho 256 lượt hội viên. Hỗ trợ công bố tác phẩm cho 190 lượt nhóm tác giả và tác giả... Các hội viên của Hội đã xuất bản gần một trăm đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều tuyển tập được phát hành rộng rãi. Công bố nhiều vở diễn có chất lượng cao. Hàng ngàn tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, các bài viết nghiên cứu, sáng tác văn, thơ được công bố trên các sách báo, tạp chí Trung ương, địa phương, phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu đất và người Ninh Bình đến các vùng, miền trong toàn quốc.
Hội cũng đã có nhiều hoạt động tham gia trực tiếp vào các sự kiện lớn của tỉnh, của Liên hiệp Hội, góp phần giới thiệu thành quả của văn nghệ Ninh Bình, quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình với bạn bè trong nước, quốc tế. Nhiều hoạt động của Hội được đánh giá cao như: Tham gia liên hoan thơ Châu á Thái Bình Dương lần thứ nhất; đăng cai tổ chức Triển lãm Nhiếp ảnh khu vực; tổ chức các hoạt động và triển lãm ảnh nghệ thuật Ninh Bình - Bạc Liêu nhân dịp kỷ niệm 53 năm kết nghĩa và ký kết hợp tác, phát triển Ninh Bình - Bạc Liêu. Tham mưu cho UBND tỉnh và trực tiếp triển khai, tổ chức thành công lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu 5 năm lần thứ IV (2006 - 2011) bảo đảm khách quan, chặt chẽ cho 49 tác phẩm, 3 đạo diễn và 6 diễn viên. Trong đó có 10 giải A. 10 giải B, 17 giải C và 21 giải KK.
Trong nhiệm kỳ, Hội đã xuất bản nhiều tuyển tập: Văn học Ninh Bình ngàn năm, Hợp tuyển văn thơ thiếu nhi Ninh Bình, Nhiếp ảnh Ninh Bình, Miền lục bát Cô Đô... khá công phu, được đông đảo bạn đọc đánh giá cao. Nhiều cá nhân đoạt nhiều giải thưởng lớn trong nước và Quốc tế, trong đó có một giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Trang Website của Hội ngày càng được chú trọng, mở rộng được công chúng đánh giá cao.
Các chuyên ngành Văn học, (thơ, văn, lý luận phê bình), Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Nghiên cứu sưu tầm của Hội tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên từng lĩnh vực hoạt động. Đóng góp nhiều thành tích lớn, thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển của Hội. Nhiều chuyên ngành gây được tiếng vang và sự chú ý trong khu vực và toàn quốc. Các Chi hội địa phương hoạt động sôi nổi, có chất lượng, có chiều sâu so với nhiệm kỹ trước.
P.V: Để hoạt động văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, toàn diện,, nhiệm kỳ 2014-2019, Hội sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Đăng Hào: Tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhiệm kỳ tới Hội văn học nghệ thuật tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
Trước hết là xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà đảm bảo vững về chính trị, tư tưởng và chuyên môn nghiệp vụ, làm cho hội viên thấy rõ vai trò, trách nhiệm và vinh dự của mình trước cuộc sống, từ đó có những tác phẩm đạt chất lượng cao.
Bên cạnh đó Hội sẽ đẩy mạnh hoạt động, nâng cao chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật, nhất là công tác phê bình văn học nghệ thuật. Mở rộng phổ biến tác phẩm, khuyến khích các tác giả tích cực giới thiệu tác phẩm của mình thông qua nhiều kênh khác nhau, coi đó là việc làm sáng tạo để thúc đẩy sáng tác; xây dựng kế hoạch xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu của hội viên, coi trọng giao lưu, hội thảo về tác giả, tác phẩm. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận cho văn nghệ tỉnh nhà những năm tới.
Thường xuyên tổ chức các cuộc thâm nhập thực tế để hội viên có nhiều tư liệu, chất liệu sáng tạo tác phẩm; tăng cường thực hiện phương châm xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật, đẩy mạnh thi đua sáng tác, làm tốt công tác tham mưu cho Hội đồng nghệ thuật của tỉnh xem xét, đề nghị UBND tỉnh trao Giải thưởng văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu 5 năm một lần cũng như các giải thưởng khác của Trung ương và của tỉnh, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đưa hoạt động văn học nghệ thuật tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới, hòa nhịp với đời sống văn nghệ của cả nước…
P.V: Xin cám ơn ông!
Hà Trang (thực hiện)