Trong số những du khách đến với Cúc Phương, có rất nhiều nhà khoa học, nghiên cứu về động, thực vật, về môi trường, môi sinh và các lĩnh vực có tính đặc thù khác phục vụ cho cuộc sống.
Diện tích tự nhiên của khu rừng nguyên sinh rộng tới 25 nghìn ha, nằm trên phạm vi 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Theo những kết luận khoa học đã được dày công nghiên cứu qua nhiều năm, Cúc Phương còn giữ được nguyên vẹn một khu rừng nhiệt đới, với sự hiện diện gần như đầy đủ các loại động, thực vật tiêu biểu.
Bao quanh khu rừng là những dãy núi đá vôi trùng điệp, nhấp nhô, nhiều tầng với bao hang động kỳ thú. Buổi bình minh, khi mặt trời vừa nhô lên, trong những tia nắng hình dẻ quạt, nhìn những lớp sương giăng xa mờ ven theo những dãy núi, cảnh trí càng trở nên huyền ảo, mộng mơ. Thảm xanh thực vật nhiều tầng cao thấp, những hang động chợt ẩn, chợt hiện, những mái nhà sàn của người Mường nằm chênh vênh ven theo những sườn núi, những đàn bướm với đủ các màu sắc kéo dài hàng cây số trên đường đi, quấn quýt bên xe, bên người, gió từ động Người Xưa, từ đồi Kim Giao, từ những cánh rừng Vù hương, từ sâu thẳm của đại rừng ngàn tạo nên những âm thanh, tiết tấu giàu giai điệu nghe như bản giao hưởng đang được tấu lên dưới bàn tay của một nhạc trưởng tài ba làm say lòng du khách.
Cúc Phương là nơi hội tụ của nhiều loại thực vật bậc cao. Tổng số thống kê được ở trong bản danh mục cho đến thời điểm này là 1.944 loài thuộc 912 chi, 219 họ, 86 bộ của 7 ngành gồm ngành rêu, ngành quyết lá thông, ngành thông đất, cỏ tháp bút, dương sỉ, hạt trần, hạt kín. So với loài thực vật ở Việt Nam gồm 11.337 loài, kể cả ngành rêu, số loài thực vật ở Cúc Phương chiếm 17,27%. Kết quả nghiên cứu, phát hiện đã chứng minh sự phong phú, đa dạng về thực vật của khu rừng cổ quý hiếm này.
Từ cửa Vườn, du khách lần lượt đến với động Người xưa, đồi Kim Giao, được chứng kiến tận mắt dấu ấn của người cổ đại còn lưu lại ở Động, được nghe về câu chuyện tình huyền thoại trên đồi Kim Giao. Tiếp tục đi sâu vào làng Bông, làng Nga - nơi cư trú lâu đời của người Mường, đến nay được sự giúp đỡ của lãnh đạo Vườn và huyện Nho Quan, họ đã chuyển ra ngoài định cư.
Luồn theo những vách núi, cánh rừng, trong âm thanh kỳ ảo của gió, lảnh lót tiếng chim rừng, qua những bụi dây leo, du khách đến với cây Chò Chiến thắng đồ sộ, cao tới 70 m, tán lá xòe ruộng phủ kín một vùng, ta còn gặp ở đây cây sấu cổ, gốc sù sì có chu vi tới 60 m hẳn đã có ngàn năm tuổi song sức sống của nó vẫn mãnh liệt, cành lá vẫn sum suê, vươn xa, tỏa rộng che chở cho muôn loài.
Cây Chò Chỉ vẫn vươn cao, sừng sững vượt lên không gian, kiêu hãnh sánh vai với các bậc đại thụ như sấu, Chò Chiến thắng. Nhiều loại cây quý đã hiện diện ở đây như Kim Giao, chè xay, chò chỉ, giẻ, ghe, mùn, gụ, sến, gội, tấu, đinh hương... Du khách càng đi vào sâu càng bị cuốn hút. Đỉnh mây bạc, lớp lớp sương giăng bồng bềnh trong mây, trong gió. Đứng Từ đỉnh cao của núi, nhìn ra chung quanh, từ trên những sườn núi, những dòng nước trắng xóa uốn lượn, chạy quanh theo lối mòn. Ken giữa những thảm cây, trên đỉnh những hang động, ven theo lòng thung là muôn loài hoa, đủ dáng, đủ màu, sắc hương cứ đan quyện vào không gian, làm cho du khách lòng thêm ngây ngất. Chỉ riêng phong lan đã có trên 50 loài, có loài trông mềm mại, e ấp, có loài trông đài các, kiêu sa. Nhìn lên cao, những chùm phong lan đủ màu vàng, đỏ, tím như những chiếc đèn lồng treo trên những thân cây, điểm tô cho cảnh sắc của rừng thêm sinh động.
Cúc Phương còn hấp dẫn du khách, các nhà khoa học bằng nhiều loài động vật quý hiếm như thằn lằn bay, voọc quần đùi trắng... Đến nay, ở nước ta hầu như chỉ duy nhất còn lại ở Cúc Phương. Được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế, hiện Cúc Phương đã khoanh vùng, xây dựng khu bảo tồn động vật vừa để nghiên cứu khoa học, vừa để bảo vệ những loài động vật quý hiếm. Cúc Phương có tới 255 loài động vật có xương sống, trong đó 124 loài chim, 64 loài thú, 36 loài bò sát, 17 loài lưỡng thể và một số loài cá, chưa kể đến côn trùng và nhiều loài khác. Ngoài các loại đặc biệt quý hiếm còn có nhiều loại động vật khó tìm thấy ở nhiều nơi như cá miếc, hươu sao, cheo cheo, khỉ vàng, vượn độc, báo gấm, trăn hoa, sơn dương, phượng hoàng, chim công, trĩ, thằn lằn luông...
Đến Cúc Phương du khách đang đến với vườn bách thú khổng lồ với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú. Phòng tiêu bản ngày càng được bổ sung thêm theo bàn chân nghiên cứu, phát hiện của đội ngũ cán bộ khoa học của Vườn sau bao năm tháng miệt mài gắn bó với rừng. Khi một ngày mới bắt đầu, khi hoàng hôn buông dần, cả Cúc Phương rộn lên trong tiếng chim, suối reo và gió ngàn...
Đến Cúc Phương, du khách còn được đến với những địa danh mà mới thoạt nghe đã thấy gợi cảm, tạo ra trong trí tưởng tượng của mỗi người một cõi như thực, như mơ. Đó là động Trăng Khuyết, Vui Xuân, động Thanh Minh, động Chùa, động Người Xưa... Đặc biệt, đối với động Người Xưa, bất kỳ du khách nào đến với Cúc Phương, dù mệt đến mấy vẫn không thể bỏ qua. Leo qua 223 bậc đá, lên đến cửa động đã hiển hiện một vùng rêu phong với dấu ấn còn nguyên vẹn của tổ tiên xưa, thời con người ở buổi sơ khai. Tìm về nguồn cội, lòng ai không khỏi xúc động, bồi hồi. Chân không muốn rời. Cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, tại Trung tâm Vườn quốc gia đã có đầy đủ cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái. Một quần thể kiến trúc khang trang nằm ngay ở cửa rừng, với một đội ngũ cán bộ, công nhân viên gắn bó với rừng qua nhiều thế hệ, đang ngày đêm dốc lòng bảo vệ, tái sinh vùng ven cho rừng, giữ cho Cúc Phương - một tài sản vô giá của thiên nhiên mãi trường tồn vẹn nguyên như giá trị vốn có của nó.
Lê Liêu