Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đoàn Văn Sửu cho biết: Hiện, Trung tâm đang nuôi dưỡng 70 cụ già và 38 cháu nhỏ. Mỗi đối tượng có một lý do để vào đây, song điểm chung là họ đều có hoàn cảnh sống khó khăn, không nơi nương tựa. Những năm gần đây, được Nhà nước, các ngành quan tâm nên cuộc sống của các cụ, các em ở Trung tâm khá đầy đủ. Ngày Tết, đối với các cụ già thì dù không nói ra nhưng trong sâu thẳm, các cụ vẫn thấy tủi thân, vẫn se sắt bởi ước mơ về một tổ ấm để sum vầy. Chúng tôi "đọc" được nỗi buồn trong khóe mắt của các cụ, các em nhỏ, khi nhiều em được người nhà đón về nhà ăn Tết, càng làm cho những người ở lại thêm chạnh lòng. Vì thế, để bù đắp phần nào những hẫng hụt trong tâm hồn người ở lại, những ngày giáp Tết, tập thể cán bộ, công nhân viên ở Trung tâm càng thêm gắn bó, động viên, chia sẻ và cố gắng mang niềm vui đến cho các cụ, các em nhiều hơn, để mỗi người đều cảm thấy Trung tâm thực sự là nhà của mình. Những ngày giáp Tết, Trung tâm thường "giao" cho các cụ những phần việc nho nhỏ để các cụ làm cho vui và sống lại không khí Tết thuở còn đoàn viên gia đình. Vậy nên, cụ nào cũng hăng hái. Còn đối với các cháu nhỏ, những ngày Tết luôn là khoảng thời gian các em chờ đợi nhất trong năm. Các cháu cũng ríu rít, hân hoan khác hẳn ngày thường. Được nghỉ Tết, các cháu đều muốn tham gia vào các hoạt động chuẩn bị đón Tết của người lớn. Bé thì giúp người lớn quét dọn, bé thì trông em để các mẹ ở Trung tâm có thêm thời gian để trang trí nhà cửa. Bé thì hăng hái rửa lá dong, giúp các mẹ một tay trong việc gói bánh chưng… còn đối với các cô nuôi của Trung tâm, mỗi năm Tết đến, xuân về, cùng với công tác chuẩn bị đón Tết thì một việc làm ý nghĩa, mang lại nhiều cảm xúc cho các cô nhất đó là đi sắm sửa quần áo, chuẩn bị Tết cho các cụ, các cháu. Cô nuôi Phạm Thị Thu Huế là người có thâm niên làm việc lâu nhất ở Trung tâm. Vừa thử cho các con bộ quần áo mới mà các cô vừa mua hồi chiều, cô không nén nổi niềm xúc động vì các bé lớn nhanh quá, nhất là bé Thủy- đứa em út của Trung tâm.
Còn cụ Nguyễn Thị Thêm, cụ không thể nhớ nổi mình đã đón bao nhiêu cái Tết ở Trung tâm. Theo lời cụ Thêm, quê cụ ở tận Nghệ An. Chồng cụ bị bệnh chết từ khi cụ mới 23 tuổi. Nỗi đau ấy chưa vơi thì chỉ một năm sau, cậu con trai duy nhất mới lên 2 cũng qua đời vì bệnh tật. Sau ngày đất nước hòa bình, để vơi bớt nỗi đau, cụ đã quyết định theo người anh ruột về Ninh Bình sinh sống. Nhưng hoàn cảnh kinh tế của gia đình người anh trai cũng gặp nhiều khó khăn, phải bán đất đi làm ăn xa ở tận trong Nam. Hết nơi nương tựa, ban ngày cụ phải đi bắt cua, mò ốc bán lấy tiền lo cho cuộc sống. Đến tối, cụ ngủ nhờ mái hiên của nhà văn hóa phường Nam Bình. Xét hoàn cảnh quá khó khăn của cụ, chính quyền địa phương đã đưa cụ vào Trung tâm để cụ được chăm sóc. Những năm tháng sống ở đây, cụ được quan tâm tới từng bữa ăn, giấc ngủ, được bầu bạn với những người bạn già cùng cảnh ngộ, cụ đã xem trung tâm là gia đình của mình." Tôi cứ nghĩ, đến khi mình về già không biết sẽ phải lang thang, vất vưởng ở đâu. Nhưng giờ ở Trung tâm, tôi đã có bạn bè, lúc khỏe mạnh cũng như khi đau ốm được mọi người quan tâm chăm sóc như những người thân trong gia đình thế này là hạnh phúc lắm rồi.", cụ Thêm vừa nói vừa lau những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo.
Ông Đoàn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm cho biết thêm, những ngày Tết đến, xuân về là dịp mà Trung tâm được đón nhiều tổ chức, đoàn thể, các cấp, các ngành và nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà cho các đối tượng. Những bộ quần áo mới, những món đồ chơi, những chiếc bánh chưng xanh, bánh kẹo …sự chung tay sẻ chia ấy của những tấm lòng thơm thảo đã góp phần mang mùa xuân trở lại với tâm hồn của những số phận thiệt thòi.
Đào Hằng