Bia chủ quyền trên đảo ghi: đảo Tiên Nữ là 8 độ 52 phút vĩ độ Bắc, 114 độ 5 phút kinh độ Đông thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Như vậy có nghĩa là tôi đang ngồi tại điểm cực Đông xa xôi nhất của Tổ quốc. Bỗng thấy chuyến đi và việc chậm hành trình lại là điều vô cùng thú vị.
Thuở còn đi học, tôi từng rất thán phục nhà viết ký tài hoa Nguyễn Tuân khi ông đã bỏ ra hàng tuần trời ăn đất nằm sương, luồn rừng, vượt núi để đến được mỏm Lũng Cú tột bắc, chụp một kiểu ảnh bên cột cờ Hà Giang để chứng tỏ mình đã từng đến những nơi xa xôi hiểm trở bậc nhất của Tổ quốc. Hay bồi hồi khi đọc những trang văn đầy phóng khoáng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi ông ghi lại cảm xúc tuyệt vời của mình trong giây phút đặt bước chân đầu tiên lên đất mũi Cà Mau. Tôi cũng từng mê mẩn khi đọc những trang viết của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về những chuyến du hành đầy chất phiêu liêu đến vùng ngã ba Đông Dương nổi tiếng với "một tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe"…Có vẻ như đối với những người làm báo có sự "đồng thanh khí" trong khát vọng khám phá những nơi xa xôi, bí hiểm và tột cùng nhất của những vùng đất. Tôi- gã nhà báo quèn chẳng ai biết tên bỗng chiều nay hứng chí khi thấy mình cũng là một "yếu nhân" trong đoàn nhà báo đã đến được cực Đông của Tổ quốc. Được chứng kiến cảnh mặt trời lên sớm nhất trên toàn cõi Việt Nam. Trước đó, tôi những ngộ nhận rằng cột đèn biển vẫn nằm trên đảo Tiên Nữ. Thực ra ngọn Hải đăng không nằm trên đảo Tiên Nữ mà còn cách điểm đảo chúng tôi những hơn 3 hải lý. Những người gác Hải đăng không phải là bộ đội mà là nhân viên của ngành Hàng Hải.
Điều đặc biệt hơn nữa là khi đoàn chúng tôi thả neo gần mép xanh bờ đảo Tiên Nữ thì cũng là lúc đồng hồ trên tàu chỉ đúng con số 12h. Ngày hôm ấy chính là Tết dương lịch. Vậy là dù vô tình hay hữu ý, tôi lại được đón một cái Tết giữa trùng dương. Cảm giác ấy, vô cùng thú vị bởi vì thay bằng việc tưởng tượng qua những trang văn của những người đi trước, lần này tôi được chứng nghiệm những gì sống động nhất của cảm giác khi đặt chân đến điểm cực Đông, mà lại đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Bữa tiệc đêm trên biển có lẽ là điều nhớ nhất trong đời tôi.
Tết dương lịch, bữa cơm chia tay năm cũ rất ngon miệng vì có món quà biển mà bộ đội đảo Núi Le đã gửi tặng: món ốc nhảy. Những chú ốc nhảy tơi ngon, ốc rửa sạch, hấp sả, chấm với mắm gừng khi thưởng thức cảm giác ngọt mát và ngất ngây hương vị biển khơi. Đang lúc cao hứng, anh bạn Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai bèn đem giới thiệu món rượu sâm Ngọc Linh, thứ rượu mà theo như lời giới thiệu là thứ cây thuốc quý được trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh. Ngọn núi mà trong tác phẩm nổi tiếng "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc, anh hùng Núp và dân làng Kông Hoa đã lên đó gùi đá về mài mũi lao, mũi tên đánh Pháp. Vị ngọt mát của vị biển hòa với vị cay cay ấm nồng của sơn dược cho cảm giác lâng lâng rất khó tả. Nhân có nhã hứng với món sơn tửu, các thủy binh bèn giới thiệu loại rượu hải sâm, loại danh tửu của lính đảo Tiên Nữ. Hải sâm là sản vật quý, chỉ vào mùa tháng ba, tháng tư sóng yên bể lặng mới bắt được. Nhưng cả mùa gió lặng ấy chỉ có khoảng mười con nước có thể bắt được hải sâm. Con hải sâm nhỏ mềm, hình thù hệt như chú sâu đất hoặc như chiếc bánh mỳ, thường sống các rặng san hô hay bãi cát quang bờ đảo. Hải sâm có nhiều loại: Hải sâm cát, hải sâm hoa, hải sâm huyết, hải sâm gai, hải sâm vú, hải sâm đen… Những con hải sâm bắt được ở ngoài mép xanh có giá trị bổ dưỡng cao hơn hải sâm phía trong lòng vịnh. Lính biển bắt về ngâm nước thật mặn cho ra hết nhớt và sau đó ngâm rượu, khoảng 3 tháng thì dùng được. Món hải tửu mà chúng tôi thưởng thức chính là giống hải sâm vú. Loài hải sâm tốt và bổ dưỡng nhất của vùng biển Trường Sa. Cũng xin mở ngoặc là ngoài các đảo cấm việc bộ đội uống rượu, bởi vậy món rượu hải sâm của lính thường được gửi về đất liền dùng làm quà hay chỉ "phá lệ" đem ra đãi khách những khi có đoàn đất liền ra thăm đảo.
Đông đảo chiến sỹ ra boong tàu xem câu cá mập.
Nhân ngẫu hứng bàn về giống hải sâm nhiều lính biển Trường Sa cho biết ở đất liền thường cho hải sâm là thức quý chứ lính các đảo chìm rảnh rỗi vẫn thường đi bắt hải sâm, những hôm bắt được nhiều vẫn đem về nấu cháo tựa như kiểu nấu cháo thịt lợn. Ăn nhiều quá phát ngán, nhiều chú lính còn nghĩ ra "sáng kiến" luộc hải sâm cho chín, thái mỏng để dùng ăn sáng với mỳ tôm.
Một vị sỹ quan đứng tuổi nằm cạnh võng của tôi khi ngủ đêm trên boong tàu còn khoe về việc từng được thưởng thức món gỏi hải sâm hoa tuyệt vời của lính đảo Sinh Tồn, khoản đãi mấy năm trước. Tôi chợt mỉm cười thầm nghĩ, thảo nào lính đảo cơm hay thiếu rau xanh mà cậu nào da cũng vẫn đỏ hồng, vâm váp. Thì ra nhờ có món cháo hải sâm bổ dưỡng.
Bữa cơm mừng ngày Tết dương lịch hôm ấy còn vô cùng thú vị khi đội hậu cần của tàu HQ 936 cho thực khách thưởng thức món thịt… cá mập. Phải nói món thịt của loài cá vẫn được mệnh danh là "hung thần của biển cả" đem lại cho thực khách nhiều cảm xúc. Khi nói đến điều này hẳn bạn đọc nghĩ ngay đến những chú cá mập khổng lồ nặng đến cả vài tấn mà bình nhật các bạn vẫn thường thấy trong những thước phim của kênh truyền hình Discosvery. Thú thật mà nói, chú cá mập được làm món đãi chúng tôi chỉ nhỏ khoảng 15 kg (ảnh trên), do các chú lính trẻ câu được buổi chiều với miếng mồi bằng một khúc cá chuồn, và câu dễ như bắt cá trong ao. Phải thừa nhận loài cá mập là loài có khứu giác tinh nhạy, chỉ một chút mùi tanh là dù ở xa đến mấy nó cũng lập tức tìm đến. Ngồi thưởng thức món thịt cá mập, tôi lại chợt súyt bật cười khi nghĩ hôm nay mình xơi món thịt "ông vua biển cả" nhưng thật bất hạnh cho ai đó vô tình sảy chân rớt xuống nước, lúc ấy lũ cá mập chắc không tử tế chút nào. Kinh nghiệm đi biển cho thấy rằng, cá mập thường đi theo đàn, nếu đã câu được con nhỏ thì ắt phải còn những con lớn đang quanh quẩn ở đâu đó. Và hãy dè chừng với chúng.
Bữa tiệc đêm trên biển hôm ấy còn rất phong phú khi có các món cá ngừ nấu da chua, cá bò sừng, cá mú sốt cà chua, cá dìa nấu canh… Bên ly rượu sóng sánh, những bài hát, những câu chuyện giữa lính đảo và khách cứ triền miên không dứt. Đêm đã về khuya, trời đầy sao, và giữa đại dương gió lạnh, chúng tôi- những nhà báo trẻ vẫn thấy ấm áp đến lạ kỳ.
Phương Nam - Minh Đường