Bước sang tuổi 94, cụ Đặng Thị Vũ, một trong những lão thành cách mạng ở thôn Vân Thị, xóm Vân Long, xã Gia Tân vẫn nhớ như in những năm tháng không thể nào quên ấy, giọng nói của bà lại ngân lên sang sảng. Bà kể lại: Tham gia hoạt động cách mạng đầu những năm 1940, lúc đầu, tôi được bầu làm tổ trưởng tổ "Tương tế ái hữu", đây là một tổ chức của chị em phụ nữ có nhiệm vụ tập hợp, động viên các chị em trong thôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, những khi gia đình có việc hiếu, hỷ... Lúc đầu, tổ chỉ có 4 người nhưng sau một thời gian hoạt động đã thu hút thêm được nhiều người tham gia và lan rộng sang các thôn khác. Đến năm 1943, chi bộ Tri Hối được thành lập, đánh dấu sự ra đời, trưởng thành của tổ chức Đảng, của phong trào cách mạng ở Tri Hối. Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí: Đặng Hữu Bính, Đặng Hữu Việt, Đặng Hữu Khánh cùng cán bộ cách mạng tuyên truyền, mở rộng thành lập các hội cứu quốc như: thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc..., cô thanh niên Đặng Thị Vũ hăng hái tham gia cách mạng, trở thành đội trưởng Hội phụ nữ cứu quốc.
Từ đầu năm 1945, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ trong toàn tỉnh, bà Đặng Thị Vũ đã vận động nhân dân trong xã tổ chức tiến về chiến khu Quỳnh Lưu phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho dân. Sau khi nhận được lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện lỵ Gia Viễn của ủy ban khởi nghĩa tỉnh Ninh Bình, sáng sớm 19-8-1945, Việt Minh huyện Gia Viễn, trung đội giải phóng quân của tỉnh cùng tự vệ các xã trong huyện tiến vào huyện lỵ Gia Viễn, treo cờ Việt Minh (cờ đỏ sao vàng) lên nóc trụ sở huyện lỵ, tuyên bố xóa bỏ mọi chính sách của chính quyền phong kiến, thành lập ủy ban cách mạng (lâm thời) huyện Gia Viễn. Vào thời khắc lịch sử đó, bà Đặng Thị Vũ nhận nhiệm vụ phụ trách Đội tự vệ cứu quốc xã Tri Hối cùng các lực lượng cách mạng của tỉnh, của huyện tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện.
Qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, quân và dân xã Gia Tân đã anh dũng chiến đấu bảo vệ xóm làng, tiêu diệt giặc Pháp, Mỹ, xây dựng xã hội mới dân chủ nhân dân. Xã có 2 thôn Vân Thị, Thần Thiệu được Nhà nước tặng Bằng có công với nước, 30 cán bộ lão thành cách mạng, 4 mẹ Việt Nam anh hùng, 2.947 Huân chương, Huy chương; hàng trăm danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ... Năm 2002, Đảng bộ, quân và dân xã Gia Tân vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hơn 60 năm đã trôi qua, cùng với sự đổi thay của quê hương, đất nước, vùng quê Gia Tân hôm nay đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đồng chí Nguyễn Cát Đằng - Bí thư Đảng bộ xã cho biết: Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Gia Tân luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo phát huy tiềm năng, thế mạnh của quê hương để phát triển kinh tế - xã hội. Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống như: thêu ren, đan cót. Các giống lúa có năng suất cao, chất lượng cao được đưa vào gieo trồng chiếm tới 75% diện tích trồng lúa. Vụ đông xuân năm 2013, năng suất bình quân đạt 58,7 tạ/ha. Ngoài cấy lúa, nhân dân trong xã còn trồng rau màu cho thu nhập tương đối cao.
Chăn nuôi phát triển mạnh, trên địa bàn toàn xã có gần 30 gia trại, trang trại chăn nuôi lợn, trâu bò, gà thả vườn, vịt..., có hộ nuôi hàng trăm con. Hiện toàn xã có 205 trâu bò, 4.280 con lợn, 21.100 gia cầm các loại. Đặc biệt, xã duy trì và phát triển các hộ chăn nuôi động vật quý hiếm, con đặc sản có giá trị kinh tế cao như: rắn, ba ba, ếch, lươn... Xã có hơn 20 hộ chăn nuôi con đặc sản, có gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: hộ ông Phạm Văn Lâm, ông Nguyễn Văn Thiết (thôn Tùy Hối)...
Cùng với phát triển nông nghiệp, các ngành nghề truyền thống, kinh doanh dịch vụ được khuyến khích, mở rộng. Toàn xã hiện có khoảng 600 hộ đan cót ở thôn Vân Thị, gần 100 hộ thêu ren xuất khẩu ở thôn Tùy Hối, Thần Thiệu cho thu nhập bình quân từ 20 đến 30 nghìn đồng/ngày/người. Ngoài ra, còn một bộ phận lớn lao động của xã hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Gián Khẩu đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã, nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,82%.
Những năm gần đây, Gia Tân đang tập trung cao độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặc dù không phải là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới song với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, người dân đã hiểu được tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Từ đó, người dân các xóm, thôn tích cực chủ động tham gia đóng góp công sức, tài sản để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời xã tiếp tục vận động mọi nguồn lực khác trong xã hội như: sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn, con em quê hương thành đạt... để xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm này, xã đã đạt được 6 tiêu chí, 3 tiêu chí cơ bản đạt. Dự kiến đến cuối năm 2013, xã sẽ đạt được 9 tiêu chí về nông thôn mới (gồm: trường học, giáo dục, y tế, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống chính trị, an ninh trật tự - xã hội, điện, cơ cấu lao động, môi trường).
Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Hệ thống công trình phúc lợi phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đời sống dân sinh được đầu tư xây dựng. Toàn xã đã bê tông được hơn 6.300 m đường giao thông nông thôn, xây mới, cải tạo 8/9 nhà văn hóa xóm; thành lập 9 đội thu gom rác thải thôn xóm đi vào hoạt động nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư... Các hoạt động văn hóa, thể thao được đẩy mạnh, an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác quốc phòng địa phương, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, giữ vững. Đảng bộ xã nhiều năm liền được công nhận trong sạch, vững mạnh, trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Bài, ảnh: Thùy Phương