Thực hiện hợp đồng giao khoán, Ban quản lý công viên Thúy Sơn đã bố trí, sắp xếp lại các khu vực bán hàng. Tổ chức ký cam kết không tàng trữ, mua bán và sử dụng ma túy; không môi giới, chứa chấp gái mại dâm, đồng thời làm cộng tác viên giữ gìn an ninh - trật tự, vệ sinh môi trường với hơn 20 hộ bán hàng bên trong khu vực công viên Thúy Sơn. Những cộng tác viên này còn có trách nhiệm tố giác các loại tội phạm, các đối tượng vi phạm trong khu vực Công viên cho Ban quản lý để xử lý. Ngoài ra, Ban quản lý đã thành lập tổ bảo vệ gồm 4 người làm việc liên tục 24/24 giờ, ban đêm được tăng cường thêm 3 người; đồng thời phối kết hợp với lực lượng công an phường Nam Bình quyết tâm làm trong sạch môi trường an ninh - trật tự khu vực công viên Thúy Sơn.
Trong công tác bảo vệ môi trường, ngoài việc phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đối với lực lượng chính làm nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải, Ban quản lý công viên Thúy Sơn đã phát động thành viên các gia đình bán hàng và mỗi cán bộ, nhân viên đều là những hạt nhân tích cực tham gia vào quá trình bảo vệ môi trường. Ngoài việc tự giác thu gom rác thải, còn phải hướng dẫn, nhắc nhở du khách. Sau hơn 3 tháng ra quân thường xuyên, liên tục với sự quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban quản lý công viên Thúy Sơn, hoạt động bán hàng, môi trường và tình hình an ninh - trật tự ở công viên Thúy Sơn đã có những dấu hiệu khá tích cực.
Trao đổi với chúng tôi, bác Lương Văn Hảo, 71 tuổi ở phường Thanh Bình (TP Ninh Bình), người hơn 10 năm qua thường xuyên đi bộ trong công viên Thúy Sơn phấn khởi tâm sự: Tệ nạn xã hội mấy tháng gần đây không xảy ra. Tại các gốc cây, góc khuất không còn bơm kim tiêm như trước. Các quầy bán hàng đã được tổ chức, sắp xếp lại, không còn tình trạng bày bán la liệt, chèo kéo khách mua hàng; hầu như không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi, môi trường trong công viên đã phong quang, sạch đẹp hơn trước nhiều... Trung úy Nguyễn Văn Tuấn, công an phường Thanh Bình cũng cho biết: Tình hình an ninh - trật tự ở đây đã thật sự chuyển biến. Công viên Thúy Sơn đang dần lấy lại được vẻ đẹp vốn có của nó...
Những con hươu mới được đưa về nuôi tại công viên Thúy Sơn.
Trong khu vực công viên Thúy Sơn, ngoài các điểm vui chơi như đu quay, thiên nga, đài phun nước... còn có một di tích lịch sử - văn hóa rất quan trọng, đó là núi Non Nước - nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Trải qua thời gian, hầu hết các hiện vật, di tích lịch sử đã bị xuống cấp. Đường lên núi Non Nước nhiều chỗ đã bị sạt lở; khuôn viên trên đỉnh núi chưa được cải tạo, nâng cấp. Có bia đá cổ đã bị đổ vỡ, xói mòn theo thời gian. Các điểm vui chơi, giải trí như đu quay, chuồng thú còn nghèo nàn về chủng loại, vật nuôi... Một số công trình vui chơi giải trí đã xuống cấp, không thể sử dụng được nữa. Ngoài ra, còn có một thực tế khá rõ là: Nhiều du khách đến đây tham quan, không khỏi ngạc nhiên bởi ở ngay một điểm du lịch kỳ thú và nổi tiếng như công viên Thúy Sơn lại không có một nơi trú chân cho du khách khi trời mưa, gió. Trời nắng thì có thể ngồi tạm ở các gốc cây, các quán hàng nước bên đường, còn lúc trời mưa thì đành ngồi trên xe khách để ngắm phong cảnh. Nhà vệ sinh di động đã có, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách tham quan.
Để công viên Thúy Sơn trở thành một điểm du lịch hẫp dẫn, ngoài việc tăng cường đảm bảo an ninh - trật tự và vệ sinh môi trường, cũng cần có sự đầu tư, nâng cấp và cải tạo để công viên có nhiều điểm giải trí, nhiều hoạt động vui chơi như: câu cá, tầu lượn, đua ô tô, xe điện, đu quay, nhà hơi... Động vật trong chuồng thú cũng cần tăng cường thêm các vật nuôi như: hổ, báo, gấu... Đồng thời quan tâm tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí như ca múa nhạc, các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh. Đối với điểm du lịch núi Thúy, cần xây dựng nhà để xe, nhà chờ, khu vệ sinh cho du khách.
Có kế hoạch cụ thể rõ ràng về việc nâng cấp đường lên đỉnh núi Non Nước, thiết kế tay vịn cho du khách. Môi trường, cảnh quan trên núi cũng cần cải tạo; lát đường đi; xây dựng bồn hoa, cây cảnh; đặc biệt là có biện pháp bảo vệ, bảo quản, lưu giữ các di tích lịch sử như bia đá, lầu Nghinh Phong Các... để vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, nhưng cũng không làm thất thoát, biến dạng các dấu tích lịch sử. Để làm được điều đó, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... Có như vậy công viên Thúy Sơn mới thực sự trở thành lá phổi xanh, điểm du lịch hấp dẫn của thành phố Ninh Bình đối với du khách gần, xa.
Bài, ảnh: Xuân Tứ