Giải pháp "Thắt lưng buộc bụng"
Công ty may Vạn Xuân, một trong những doanh nghiệp may hàng đầu của tỉnh Ninh Bình hiện đang trụ khá vững. Bí quyết của doanh nghiệp chính là thắt chặt các khoản chi tiêu và cấu trúc lại hệ thống sản xuất để đạt kết quả sản xuất, kinh doanh cao nhất. Công ty hiện có 11 nhà máy gia công, 12 dây chuyền sản xuất với 400 lao động. Ngành nghề sản xuất chính là gia công hàng may mặc. Thời gian qua, Công ty đã không ngừng tìm tòi, cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, đa dạng hóa các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Sản phẩm của Công ty bao gồm các mặt hàng cao cấp và bình dân như áo jacket cho người lớn, quần áo thường cho người lớn, trẻ em, quần áo bảo hộ lao động, quần áo thể thao, vỏ chăn, túi vải, tất... Sản phẩm của Công ty hiện đã chiếm lĩnh được thị trường các nước EU, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của cả tỉnh.
Mặc dù rơi vào giai đoạn khó khăn chung của cả hệ thống ngành may mặc nhưng Vạn Xuân đã tích cực tìm ra những phương pháp để tự cứu mình đó là "Thắt lưng buộc bụng". Ông Lã Đức Vượng, Giám đốc Công ty cho biết: Trước đây, khi Công ty có những đơn hàng cần hoàn thành nhanh để kịp tiến độ thời gian thì thường xuyên huy động công nhân làm tăng ca. Trong giai đoạn này Công ty hạn chế thực hiện phương pháp này mà khuyến khích công nhân làm tăng sản phẩm trong giờ chính để tiết kiệm tiền điện, chi phí lao động… Cùng với việc tiết kiệm các chi phí thì Công ty cũng cơ cấu lại tổ chức sản xuất, rút gọn bộ máy hành chính và tăng cường lực lượng lao động tại xưởng". Năm 2011, doanh thu của Công ty đạt 50 tỷ đồng, là một trong những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tốp đầu của tỉnh.
Để tồn tại trong thời kỳ khó khăn, công ty TNHH Xây dựng Ninh Bình cũng đã xác định hướng đi cho mình là tiết kiệm các khoản chi tiêu và lựa chọn những đơn hàng "ăn chắc". Ông Hà Tất Thắng, Giám đốc Công ty cho biết: Bước sang năm 2012, nhiều doanh nghiệp xây dựng đã kiệt sức vì không đánh giá đúng bản thân, lao vào làm những công trình mà chưa tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, năng lực tài chính của doanh nghiệp và những thay đổi của cơ chế chính sách. Do đó, chúng tôi chỉ nhận làm những công trình có khả năng thanh toán nhanh, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác để duy trì và giữ chân công nhân nhằm đợi cơ hội vươn lên.
Tạo hướng đi riêng
Chị Trần Thị Hồng Lĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Giấy vở Hồng Điệp cho biết: Tuy bây giờ Công ty cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho nhiều, nợ ngân hàng… Song chúng tôi xác định thời điểm này các công ty trong nước đang ra sức cạnh tranh lẫn nhau, nếu thu hẹp sản xuất và thị trường tiêu thụ thì sẽ mất khách hàng. Việc lấy lại thị trường cũ còn khó gấp trăm lần chiếm lĩnh thị trường mới. Chính vì lẽ đó mà đối với những khách hàng lâu năm, chúng tôi có những ưu đãi đặc biệt, giá thành đôi khi chấp nhận lỗ để giữ mối quan hệ. Thị trường các tỉnh lân cận cũng được Công ty quan tâm và đầu tư. Bên cạnh đó, thời gian qua chúng tôi cũng đầu tư khá nhiều cho máy móc, nhà xưởng, nhân công… nếu không có hợp đồng mới thì khấu hao máy móc, lương công nhân lấy đâu ra để trả. Vì vậy giải pháp mở rộng sản xuất dù lãi ít, chi phí nhiều nhưng vẫn có việc làm giữ chân công nhân và một phần chi phí khấu hao máy móc.
Xí nghiệp Tập thể chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng đã phải trải qua nhiều thời kỳ "lột xác" để bắt nhịp được sự cạnh tranh của thị trường. Ban giám đốc đã nỗ lực tìm ra hướng đi cho riêng mình là chú trọng sản xuất những mặt hàng thân thiện với môi trường để phục vụ xuất khẩu. Đây là một hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu các nước phát triển. Hai mũi nhọn được Xí nghiệp hướng đến là gia công túi thân thiện với môi trường và sản phẩm tấm trải bàn ăn. Đến nay, riêng dây chuyền gia công túi thân thiện với môi trường của xí nghiệp đã giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập cho hơn 500 công nhân là người địa phương. Sản phẩm tấm trải bàn ăn của xí nghiệp cũng đang rất được ưa chuộng, hiện xí nghiệp đã có đơn đặt hàng lâu dài. Để đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng, xí nghiệp đang mở rộng sản xuất và đào tạo thêm các công nhân lành nghề có thể làm được các công đoạn kỹ thuật cao.
Có thể nói, trong khi các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn do sản xuất không có đầu ra, doanh thu giảm, không giữ được chân công nhân thì Xí nghiệp Tập thể chiếu cói xuất khẩu Đại Đồng lại trên đà vươn lên mạnh mẽ. Năm 2011, doanh thu của xí nghiệp đạt 11 tỷ đồng. Xí nghiệp phấn đấu năm 2012, doanh thu đạt 15 tỷ đồng. Xí nghiệp đang có tham vọng nhập dây chuyền sản xuất mặt hàng túi thân thiện với môi trường và trực tiếp xuất khẩu. Đây sẽ là một hướng đi đúng trong tương lai mà xí nghiệp đã lựa chọn.
Nguyễn Thơm