Làm nghề đan bèo bồng đã hơn 20 năm, bà Chu Thị Kiên ở xóm 7, xã Khánh Hồng (huyện Yên Khánh) đã trở thành một tay đan lão luyện. Bà Kiên nói rằng, sở dĩ, người lao động gắn bó với nghề mình đã dày công học tập là bởi thu nhập mang lại từ nghề xứng đáng với sức lao động bỏ ra và đủ để trang trải cuộc sống ở mức tương đối. Nếu không đạt được tiêu chí này thì hẳn nhiên nghề sẽ… chết yểu. Đây là câu chuyện rất rõ ràng trong thực tiễn công tác đào tạo nghề những năm qua. Và đó, cũng là nguyên nhân lý giải vì sao người dân Khánh Hồng vẫn duy trì, thậm chí phát triển mạnh mẽ nghề đan bèo bồng này.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh cho biết: Hiện nay, nhiều người dân trong xã Khánh Hồng nói riêng, huyện Yên Khánh nói chung đã trở thành lao động vệ tinh của Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa. Hàng năm, lực lượng lao động này còn được doanh nghiệp bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề, tiếp cận với những mẫu mã mới trên thị trường. Bởi vậy, họ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm theo đơn đặt hàng. Việc làm và thu nhập của lao động nông thôn cũng vì thế mà được duy trì, bảo đảm.
Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa được thành lập từ năm 1990 với quy mô ban đầu là Tổ hợp sản xuất chiếu cói, mỹ nghệ. Sau khi thiết lập được thị trường, doanh nghiệp đã mạnh dạn đăng ký thành lập doanh nghiệp với hoạt động chính là sản xuất và chế biến hàng thủ công từ cây cói, cây bèo, hàng nhựa, dạy nghề thủ công mỹ nghệ.
Để thu hút được nguồn lao động có tay nghề, Công ty chú trọng hoạt động dạy nghề cho lao động, đồng thời tạo việc làm tại chỗ với mức thu nhập xứng đáng. Nhờ đó, đội ngũ lao động ngày càng có thêm những kỹ năng khéo léo, thành thục từng mã hàng thủ công mỹ nghệ. Người lao động đã có thể làm ra những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, được Công ty thu mua, mang lại thu nhập từ 2,2 triệu - 3,5 triệu đồng/người/tháng lúc nông nhàn.
Ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Công ty khẳng định: Xác định rõ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo. Cùng chung sức với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện được nhiệm vụ ấy có trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp. Bởi vậy, trong những năm qua, Công ty đã tích cực triển khai các chính sách về dạy nghề cho người lao động. Chúng tôi đã phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đâu, tìm hiểu các chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Đồng thời tích cực phối hợp với các thôn, xóm tuyên truyền, tư vấn tư vấn cho người lao động để người dân nhận thức được tầm quan trọng của học nghề vì chất lượng cuộc sống, vì tương lai tốt đẹp hơn.
Hiện nay, Công ty có hàng trăm lao động làm việc tập trung tại Công ty với mức thu nhập từ 3,8 - 6 triệu đồng/người/tháng. Có 75 vệ tinh ở các địa phương khác như: Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô, Gia Viễn, Nho Quan... thu hút từ 3.500 - 5.000 lao động nông nhàn với mức thu nhập 2,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm Công ty sản xuất, xuất khẩu hàng triệu sản phẩm, doanh thu từ 65 tỷ - 85 tỷ đồng, nộp ngân sách 3,5 tỷ - 4,5 tỷ đồng. Công ty trích quỹ phúc lợi để tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội từ 50 triệu đến 100 triệu đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương.
Ngoài Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa, trên địa bàn tỉnh ta còn có nhiều doanh nghiệp, xưởng sản xuất… tham gia dạy nghề, tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Ngoài hàng thủ công mỹ nghệ thì may công nghiệp là nghề thu hút được đông đảo lao động nông thôn tham gia. Tính riêng từ đầu năm 2022 tới nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh đào tạo cho 12.341 lượt người, đạt 70,52% kế hoạch năm, vượt 7,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có hàng nghìn lượt lao động nông thôn.
Ông Vũ Đức Dương, Phó Phòng Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phân tích: Khi các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề thì người học được tiếp cận thực tế nhanh chóng, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành cũng như khả năng thích ứng với sự thay đổi công nghệ trong thực tế sản xuất.
Qua tìm hiểu tại một số doanh nghiệp tham gia dạy nghề cho thấy, để triển khai hoạt động đào tạo nghề, doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị, chủ động các chương trình, giáo án phù hợp với nhu cầu của đơn vị mình. Từ đó, các doanh nghiệp có được đội ngũ lao động có tay nghề, phục vụ hiệu quả nhu cầu công việc.
Đối với người lao động, khi được các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề một cách bài bản họ sẽ tiếp thu được các kiến thức tại cơ sở đào tạo và phát triển kỹ năng nghề nghiệp thông qua thực hành tại doanh nghiệp; tiếp xúc, làm việc với những thiết bị tiên tiến do doanh nghiệp đầu tư giúp cho người lao động không bị tụt hậu với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, người lao động sau khi được đào tạo sẽ được bố trí việc làm phù hợp ngay tại doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, muốn thu hút được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và người lao động đối với hoạt động dạy nghề để nhận thấy được vai trò quan trọng, lợi ích "kép" của việc gắn kết giữa Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề. Từ đó, có trách nhiệm và tích cực tham gia công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng rất mong chờ những cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và có các ưu đãi về thuế, tín dụng (cho vay mua sắm trang thiết bị đào tạo hiện đại); đơn giản hóa thủ tục hành chính...; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là các công ty liên doanh, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Bài, ảnh: Đào Hằng