Đối mặt với nhiều khó khăn
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao, cùng khó khăn chung của nền kinh tế thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực chịu nhiều tác động bất lợi nhất. Theo ông Phạm Xuân Mược, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Ninh Bình thì trở ngại lớn nhất và cũng là "căn bệnh" trầm kha của hầu hết các doanh nghiệp nhỏ là thiếu vốn. Nhất là trong giai đoạn đầu cho đến giữa năm 2008, Chính phủ áp dụng chủ trương thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, lãi suất ngân hàng từ 0,95%/tháng tăng lên đến 1,7%/tháng kèm theo những thủ tục cho vay khắt khe đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, thậm chí phải đình trệ sản xuất. Có những doanh nghiệp nhỏ mới thành lập phải vay 60-70% vốn ngân hàng, tại thời điểm hiện nay lãi suất khoảng 20%/năm trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ chỉ đạt lợi nhuận ở mức khoảng 12% vốn đầu tư. Như vậy, cho dù có vay được vốn ngân hàng thì cũng khó mà tồn tại. Với các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xây dựng, hiện có rất nhiều công trình nợ đọng chưa được thanh toán trong khi các khoản vay ngân hàng đã đáo hạn. Đứng trước khó khăn về vốn, không còn cách nào hơn là doanh nghiệp phải tự "co" lại, cắt giảm nhiều dự án, mặc dù trước đó doanh nghiệp đã phải khó khăn lắm mới tìm kiếm được hợp đồng. Để đối phó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải hạ mục tiêu lợi nhuận để ưu tiên cho giải quyết vấn đề trước mắt là cạnh tranh để tồn tại. Trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay, chỉ có những doanh nghiệp có tỷ lệ vốn vay khoảng 30% mới trụ được, còn nếu con số tương ứng từ 30 - 50% thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Phạm Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Ninh Bình cho biết thêm: "Dù rất hiểu và cảm thông với doanh nghiệp nhưng các ngân hàng cũng phải thực hiện mục tiêu kinh doanh của mình. Do vậy, việc cần làm ngay là các doanh nghiệp (DN) là phải rà soát lại danh mục đầu tư của mình, bởi không ai hiểu rõ thực lực của doanh nghiệp bằng chính các chủ DN. Hiện các ngân hàng trên địa bàn đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay, hy vọng các doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn hơn".
Bên cạnh vấn đề thiếu vốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thường xuyên bị tác động bởi những yếu tố khách quan. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh giá xăng, dầu theo giá thế giới, xu hướng chung là tăng nhiều hơn giảm. Đây là nguyên nhân gây sức ép làm các yếu tố đầu vào của sản xuất như vật tư, nguyên liệu, ngày công lao động đều tăng từ 1,5 đến 2 lần. Giá đầu vào cao ắt phải kéo giá thành sản phẩm cao, gây bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp và nhỏ trong cạnh tranh.
Hoạt động tại Nhà máy gạch tuynel Phú Sơn (Nho Quan). Ảnh: K.D
Nỗ lực vượt khó
Triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất lao động được xem là giải pháp chủ yếu của các DN Ninh Bình trong giai đoạn hiện nay. Ông Đoàn Lan, Giám đốc Xí nghiệp thủ công mỹ nghệ Đổi Mới cho biết, với áp lực đầu vào ngày càng lớn, từ nguyên nhiên liệu đến nhân công, cho nên Xí nghiệp phải gác lại mọi sản phẩm không còn tính ưu thế thị trường, dù đó là sản phẩm đặc thù đi nữa, thậm chí dừng ký hợp đồng mới trước những biến động bất lợi của tỷ giá USD. Xí nghiệp phải rà soát lại toàn bộ kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cắt giảm một số khoản đầu tư trong kế hoạch của năm 2008. Bên cạnh đó, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm và tìm thêm thị trường mới. Nhờ đó, mấy tháng qua, Xí nghiệp mới có thêm đơn hàng, và duy trì được sự bình ổn cho đơn vị. Cũng như Đổi Mới, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Ninh Bình đang rất nỗ lực để vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất. Ông Đinh Quốc Chiến, Giám đốc Công ty TNHH giấy Tiến Dũng cho hay, phương án được Công ty chọn tháo gỡ các khó khăn hiện nay là thắt chặt tài chính, tích cực thu hồi công nợ và triệt để tiết kiệm. Trước đây, các đơn hàng của doanh nghiệp thường được đối tác thanh toán cuối tháng hoặc cuối quý thì bây giờ DN đề nghị thanh toán sớm, hoặc hỗ trợ trước một phần. Bên cạnh đó, Công ty tập trung nâng cao tay nghề cho người lao động, nhằm tăng hiệu suất lao động. Thay đổi chế độ làm việc thật hợp lý để tiết kiệm nguyên liệu sản xuất, cụ thể như thay chế độ đứng lò từ hai ca thành ba ca, nhằm tăng trách nhiệm của người vận hành sản xuất. Nhờ đó, lượng hao phí nguyên liệu của DN từ 1,3 tấn than đá giảm xuống còn 1,1 tấn than đá/ngày, tiết kiệm mỗi ngày khoảng 600 nghìn đồng. Ông Đinh Quốc Chiến nhấn mạnh: "Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, cần động viên được sự cố gắng của tất cả cán bộ, công nhân viên cùng chung tay đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điều quan trọng nhất hiện nay đối với Tiến Dũng nói riêng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung là phải tiếp tục duy trì sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, về lâu dài DN nào có chất lượng sản phẩm cao vẫn có chỗ đứng trên thị trường".
Cũng theo ông Phạm Xuân Mược, vừa qua Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh đã tiến hành khảo sát tại một số doanh nghiệp trên địa bàn thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh như xây dựng, đóng tàu, chế biến cói… Mặc dù gặp khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu DN chỉ ngồi than vãn và thụ động níu giữ một cách cứng nhắc những thành quả vốn có, chắc chắn sẽ chỉ lún sâu vào khó khăn. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay mà Hiệp hội khuyến cáo đối với các DN là cần phát huy hết nội lực, muốn tồn tại trước tiên phải "tự mình cứu lấy mình", từ đó mới có thể tạo ra cơ hội, vượt qua khó khăn và tiếp tục vươn lên.
Quốc Khang