USD ở Việt Nam - đang hấp dẫn quá mức cần thiết
Một giám đốc ngân hàng thương mại khẳng định: trong vài tháng trở lại đây, tỉ lệ tiền gửi bằng USD ở các ngân hàng đã tăng cao hơn. Theo TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu thị trường - giá cả, Bộ Tài chính, trong bối cảnh đồng USD diễn biến trồi sụt trên thị trường thế giới, thì sự hấp dẫn quá mức của đồng USD ở thị trường Việt Nam, đặc biệt là ở thị trường tự do là điều đáng bàn và có thể dẫn tới nguy cơ đô la hóa tăng lên một cách trầm trọng hơn. Thêm vào đó, nguy cơ này càng gia tăng khi việc quản lý mua bán ngoại tệ trong một thời gian dài đã bị buông lỏng. Người dân quá dễ dàng mỗi khi cần mua hay bán USD ở các cửa hàng tư nhân…
Việc niêm yết giá bằng USD cũng khá phổ biến đối với các mặt hàng như: điện tử, ô tô, xe máy, bất động sản, khách sạn, du lịch… Còn riêng ở Hà Nội, trên phố Hà Trung, khu vực phố Đinh Lễ được xem là các chợ ngoại tệ không chính thức luôn sôi động.
Trong bối cảnh lạm phát gia tăng và sự mất giá của VND thì cùng với vàng, USD chính là một trong những sự lựa chọn chính trong tích trữ của đa số người dân. Và vô hình chung, đồng USD đang chiếm vị trí đáng kể trong các phương tiện thanh toán, tích trữ.
Đô la hóa nền kinh tế - có thể kiểm soát được
Theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, tình trạng đô la hóa hiện nay đang tăng lên, nhưng chưa đến mức trầm trọng. Tỷ lệ tiền gửi bằng USD trên tổng tiền gửi tại các ngân hàng ở Việt Nam hiện nay khoảng từ 20 - 25%. Với tỷ lệ này, mức độ "đô la hóa" nền kinh tế ở nước ta vẫn ở mức trung bình, nhưng ông Hà cũng thừa nhận, nguy cơ đô la hóa nền kinh tế sẽ tăng lên nhanh chóng nếu không ngăn ngừa được việc sử dụng đồng USD phổ biến như hiện nay.
Có 2 việc chúng ta cần phải làm ngay trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, về tầm vĩ mô, cần thực thi hiệu quả trong việc phối hợp chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá hối đoái. Rõ ràng, chính sách tỷ giá hối đoái cứng nhắc sẽ không hạn chế được tình trạng đô la hóa; bên cạnh đó, phải điều chỉnh lãi suất đồng Việt Nam linh hoạt hơn và phải theo sát diễn biến của tình hình lạm phát từ nay đến cuối năm để cùng cố niềm tin đối với đồng Việt Nam và giảm nguy cơ đô la hóa. Bước 2 cần phải làm, đó là nhanh chóng áp dụng các biện pháp kiểm soát thị trường liên quan đến giao dịch, niêm yết giá bằng đồng USD.
Theo ông Trần Bắc Hà, trong tình hình hiện nay, Bộ Công thương cần phải có trách nhiệm hơn trong việc kiểm tra những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh niêm yết giá bán bằng USD. Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, các ngân hàng chỉ được phép cho vay đồng USD đối với những đối tượng có nhu cầu thực sự và phải chứng minh nhu cầu đó. Cùng với đó là điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng đồng USD kém hấp dẫn hơn. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo dựng được niềm tin của người dân vào sự ổn định của đồng Việt Nam, sự ổn định nền kinh tế và khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Đây cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn nhấn mạnh trong chỉ đạo điểu hành của Chính phủ thời gian qua.
Theo VOV