Thế giới đồ chơi trẻ em.
Tại các điểm vui chơi của trẻ em như: Công viên, nhà văn hóa, thậm chí là ở các cổng trường đâu đâu cũng bầy bán la liệt các đồ chơi bằng nhựa như: Rôbốt, Siêu nhân, mặt nạ, ô tô, điện thoại…Những món đồ chơi này luôn thu hút trẻ em. Có những cháu chỉ đang học mẫu giáo mà mỗi ngày mẹ đưa đến trường phải đòi mua cho được một mòn đồ chơi mới chịu ở lại lớp học.
Nhưng những đồ chơi bầy bán ở nơi này chỉ là hàng nội, rẻ tiền thu hút những "thượng đế nhí" mẫu giáo và cấp I, còn những món đồ chơi đắt tiền dành cho các thượng đế đã lớn hơn một chút và những "thượng đến hạng sang" thì phải kể đến những cửa hàng bán đồ chơi nổi tiến ở chợ Rồng, đường Trần Hưng Đạo, phố Quyết Thắng…
Tại các quầy hàng bán đồ chơi trẻ em ở khu vực chợ Rồng lúc nào cũng đông khách. Đến đây ta như lạc vào một thế giới cổ tích đầy mầu sắc với những: thú bông, ô tô, máy bay, búp bê, đồ lắp ghép…tất cả được bày bán la liêt trên các kệ hàng. Phần lớn đồ chơi ở đây là nhập từ Trung Quốc. Theo lời chị P, chủ cửa hàng đồ chơi đường Trần Hưng Đạo thì "đồ chơi của Trung Quốc đẹp hơn, phong phú hơn về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng, tính ra thì giá cũng rẻ hơn đồ chơi Việt Nam sản xuất. Còn đồ chơi của Việt Nam thì bao bì mẫu mã đơn điệu, đồ chơi lại không sống động, không thu hút được sự chú ý của trẻ em". Hàng ngoại không chỉ đơn giản là thu hút được trẻ em mà ngay cả phụ huynh cũng bị lôi cuốn. Chị Nguyễn Thu H, ngần ngại khi cầm lên chiếc ô tô điều khiển từ xa trị giá gần 200.000 đồng, nhưng rồi vẫn quyết định mua tặng quà sinh nhật lần thứ 7 cho cậu "quý tử" của mình. Bởi theo chị thì "Nhìn đồ chơi Trung Quốc đẹp hơn hẳn đồ chơi Việt Nam, thôi thì cả năm mới có một lần sinh nhật. Rất nhiều người vào cửa hàng đồ chơi loay hoay tìm mua đến nửa tiếng mà không biết phải chọn những gì. Những chiếc máy bay, ô tô, đoàn tầu điều khiển đi lại được như thật ai cũng thích nhưng giá của nó trên dưới 100.000, những gia đình công chức bình thường không dễ gì bỏ tiền ra mua được.
Theo tâm lý của một số phụ huynh không muốn con mình thua kém bạn bè, nên dù có khó khăn một chút thì cũng dành cho con những điều kiện vui chơi tốt nhất. đồ chơi cho con cũng phải tương xứng với bạn bè chúng, đồ nội giá có rẻ thật nhưng không đẹp, không sống động nên trẻ em chơi nhanh chán, bỏ đi thì thà cứ mua đồ đẹp đắt tiền một chút nhưng chơi được lâu. Với tâm lý chung đó của người tiêu dùng nên thị phần dành cho đồ chơi Việt Nam đang ngày càng bị thu hẹp và dành chỗ cho đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh với đủ các loại đồ chơi đa dạng, phong phú.
Vẫn tồn tại đồ chơi bạo lực.
Chúng tôi đến cửa hàng bán đồ chơi H.T, đường Trần Hưng Đạo hỏi mua một khẩu súng, chị bán hàng niềm nở: "Bây giờ quản lý thị trường làm gắt lắm, bọn chị ít nhập được hàng đó. Nhưng có cái này, chắc chắn là còn thú vị hơn nhiều". Nói rồi chị đưa cho tôi mấy cái hình siêu rôbốt siêu nhân được bọc trong lớp bóng kính. Chị giải thích: "Đây là siêu nhân mặt nạ, cho pin vào là cử động được, có cả súng bắn đạn nhựa và siêu nhân đồng hồ kẹp vào tay là phát ra tiếng hú. Trẻ con xem phim, truyện siêu nhân nhiều đứa nào cũng thích. Cái này chị bán nhiều lắm rồi, giá chỉ hơn 100.000 nghìn là mua được". Thấy tôi bảo đắt, chị bán hàng quay ra chào mời những siêu nhân giá rẻ hơn, các đồ chơi chiến binh, với những vũ khí tối tân như súng, lựu đạn, dao găm, đội quân chiến binh, người sói,…với giá từ 30.000 đồng trở lên, tất cả chỉ cần cho pin vào là có thể cử động, phát sáng, bắn ra lửa xanh, đỏ hoặc phát ra những âm thanh rùng rợn…
Trong khi đó những sản phẩm như bộ xếp hình, bộ chữ của Việt Nam nhìn rất đẹp mà giá chỉ dưới 50 ngàn đồng thì vẫn xép xó "đợi năm học mới". Những đồ chơi mang tính trí tuệ thực sự khan hiếm. Hàng Trung Quốc chỉ tập chung vào các đồ chơi sống động, mầu sắc lòe loẹt thu hút trí tò mò của trẻ.
Những sản phẩm bạo lực "trá hình" như thế ngang nhiên bầy bán trên thị trường vì theo chị Huyền, chủ cửa hàng khu chợ Rồng thì: "Đấy đâu có gọi là đồ chơi bạo lực, nó đâu có nguy hiểm như súng laze, súng hơi, hay gươm đao… trên phim ảnh, sách báo có thì người ta mới sản xuất đồ chơi để phục vụ các thượng đế "nhí"". Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh ngoài việc chăm lo đến việc học tập của con em mình, nên quan tâm hơn đến việc chúng chơi gì, xem gì… không để trẻ em tiếp xúc với những đồ chơi, băng đĩa, truyện tranh mang tính kích động bạo lực. Hướng cho trẻ chơi, xem những trò chơi có ý nghĩa giáo dục, kích thích trí tượng tượng, sáng tạo của trẻ.
Linh Nhi