Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng qua, xăng, dầu đã tăng giá 3 lần và mặc dù thông tin tăng giá xăng dầu lần này đến khá gấp, nhưng người dân không bất giờ. Nếu tính từ đầu năm 2012 đến nay thì giá xăng dầu đã tăng 5 lần, giảm 5 lần với tổng cộng mức tăng của xăng A92 là 5.400 đồng/lít và mức giảm là 3.200 đồng/lít.
Bộ Tài chính cho biết: Để giữ bình ổn giá trong nước, Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp như: sử dụng quỹ bình ổn giá, giảm thuế nhập khẩu. Nhưng giá xăng, dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng, tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành, nếu không điều chỉnh giá bán xăng, dầu, thì việc kinh doanh xăng, dầu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó các giải pháp tài chính khác như: Thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xăng, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng nhưng không còn kết quả. Để giải quyết tình hình trên, chỉ còn cách tăng giá và Chính phủ cũng đã có chủ trương điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường.
Trên địa bàn Ninh Bình, trước giờ "G", các hoạt động kinh doanh mua bán diễn ra bình thường, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng để ăn chênh lệch giá.
Anh Đinh Xuân Phú (Hoa Lư) đi làm cách nhà gần 10 km bằng xe máy. Chiều ngày 15-8 mới vào đổ xăng, nhìn vào bảng điện tử mới biết xăng tăng giá và cho biết: Với mức tăng giá như vậy cũng không ảnh hưởng nhiều tới người dân khi phải đi lại và sử dụng xăng, dầu. Nhưng điều lo ngại là: Xăng tăng giá, gas cũng tăng giá và kéo theo các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm, tiêu dùng... nhân đà này mà "té nước theo mưa" thì đời sống của người dân sẽ khó khăn hơn.
Ông Trần Văn Công (thành phố Ninh Bình) cho rằng: Chính phủ đã quyết định vận hành giá bán xăng, dầu trong nước theo cơ chế thị trường thì việc tăng, giảm giá là chuyện bình thường và người tiêu dùng phải "sống chung" với nó. Ông cũng băn khoăn về cách tính tăng, giảm giá xăng có đúng với thị trường và kịp thời hay không? Đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoặc sử dụng nhiều đến xăng, dầu vốn đã khó khăn với lãi sất vay ngân hàng cao, giờ xăng, dầu lại tăng giá, chi phí đội lên, sản phẩm ế ẩm... sao tránh khỏi thua lỗ?
Xăng, dầu là loại hàng hóa chiến lược liên quan đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Sự biến động của nó tất yếu sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực, ngành kinh tế khác, nên rất cần có sự quản lý của các cơ quan Nhà nước để lĩnh vực kinh doanh này hoạt động theo đúng cơ chế thị trường.
Trường Sinh