Liên tục trong nhiều năm gần đây, tình trạng cắt điện luân phiên vào giờ cao điểm đã diễn ra trên toàn quốc do nguồn cung cấp điện thiếu hụt nghiêm trọng. Năm 2007, nhiều nhà máy như thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, nhiệt điện Cần Thơ đều trong tình trạng phải vận hành từ 120% đến gần 200% công suất thiết kế.
Biện pháp duy nhất để cải thiện tình hình căng thẳng về năng lượng lúc này là phải phát triển điện hạt nhân. Cũng như tại nhiều quốc gia khác, vấn đề này lại vấp phải cuộc tranh cãi gay gắt liên quan đến việc bảo đảm an toàn hạt nhân.
Bỏ lỡ nhiều cơ hội
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Chính phủ phê duyệt, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ hoạt động vào năm 2020, công suất 4.000 MW, chiếm khoảng gần 10% công suất phát điện quốc gia. Nhà máy gồm 4 tổ máy, tổng vốn đầu tư lên đến 7-8 tỷ USD (tương đương 1.700 - 2.000 USD/KW).
Địa điểm đặt nhà máy dự kiến lựa chọn là xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Sau năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo để từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân đạt khoảng 25%-30% vào giai đoạn 2040 - 2050.
Theo kế hoạch, bản báo cáo này sẽ được trình Quốc hội thông qua. Đây chính là "cột mốc" đầu tiên trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Trước mắt, tại kỳ họp tháng 5 năm nay, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Năng lượng nguyên tử, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng điện hạt nhân tại Việt Nam.
"Cột mốc" thứ hai chính là khi chào thầu. Khi đó, các cơ sở hạ tầng cần thiết sẽ phải được phát triển đến mức độ phù hợp cần thiết. "Cột mốc" thứ ba là khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên bắt đầu đi vào vận hành, theo kế hoạch là vào năm 2020.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học Viện Năng lượng nguyên tử VN (VAEC) cho biết, thời gian không còn nhiều, tất cả các công đoạn phải được thực hiện ở mức ưu tiên cao mới có thể đạt được lộ trình nói trên. "Trước đây, VN đã bỏ qua nhiều cơ hội phát triển điện hạt nhân mà lý do chủ yếu là xã hội còn đầy hoài nghi, trăn trở."
Hiện tại, điện hạt nhân vẫn là giải pháp tối ưu cho vấn đề năng lượng của nhiều quốc gia. Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta không nên chậm trễ phát triển điện hạt nhân" - ông Tuấn nói. Vấn đề khiến dư luận lo ngại nhất là an toàn hạt nhân, đặc biệt sau tai nạn Chernobyl ở Ukraine.
Trở ngại lớn nhất: thiếu nhân lực
Trở ngại lớn nhất trong việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực. Hiện nay, tìm được người tài, có tâm huyết với điện hạt nhân không dễ vì đây là ngành mới ở Việt Nam, triển vọng lại chưa sáng sủa trong khi nhiều ngành nghề khác đang có sức hút lớn với trí thức trẻ.
Năm 2007, VAEC thông báo tuyển 20 sinh viên giỏi vào làm việc trong viện. Sau khi xét hồ sơ, thông báo mời các ứng viên đáp ứng đủ điều kiện đến nhận việc thì họ trả lời đã đi làm chỗ khác với mức lương hấp dẫn hơn nhiều. Trước đây cũng như hiện nay, một số nghiên cứu sinh tại nước ngoài cũng tìm cách ở lại hoặc chuyển sang lĩnh vực khác chứ chưa quay về lĩnh vực hạt nhân ở Việt Nam.
Một giải pháp quan trọng cho phát triển năng lượng hạt nhân bền vững là xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất lớn, dự kiến vào năm 2015, thay thế cho lò phản ứng Đà Lạt. Đây sẽ là công trình lò phản ứng đa mục tiêu phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, sản xuất đồng vị phóng xạ, đào tạo nhân lực và tích lũy tri thức về an toàn cho ngành hạt nhân của Việt Nam.
Mặc dù chủ trương đã được phê duyệt, nhưng dự án vẫn chưa được triển khai, tiến độ có thể bị đẩy lùi. Trong một nghiên cứu gần đây, nhân lực cần thiết trước mắt cho điện hạt nhân ở Việt Nam là 200 chuyên gia, chưa kể con số hàng trăm kỹ thuật viên, hàng ngàn thợ lành nghề. Thời gian đào tạo chuyên gia có thể kéo dài 5-10 năm, nếu không có chính sách thu hút nhân tài từ bây giờ và dành kinh phí cần thiết sẽ khó đạt tiến độ đề ra.
Các cường quốc điện hạt nhân trên thế giới, nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân đang già cỗi. Sau khủng hoảng của ngành điện hạt nhân thế giới những năm 70-80 của thế kỷ trước, ngành này không có dự án được triển khai trong một thời gian dài và vì thế không thu hút được người tài, nhân lực hụt hẫng mấy chục năm. Trong cơn khát nhân lực ngày nay, các quốc gia này đều săn lùng tài năng trẻ và những trường đại học hàng đầu thế giới sẵn sàng đào tạo nhân lực đến từ các quốc gia đang phát triển, thay vì giữ bí mật như trước đây.
Theo Nhandan