Từ nơi nghỉ, đi qua những đại lộ, những con phố và cả những khu vườn bạch dương xinh đẹp, chúng tôi tới công viên Akademicheskaya (còn gọi là Công viên Viện Hàn lâm), nơi đặt Quảng trường Hồ Chí Minh. Quảng trường được tọa lạc tại điểm giao nhau giữa phố Dmitri Ulianov và phố Provsouznaia, có diện tích rộng khoảng 1ha. Phải nói đây là một vị trí vô cùng đẹp, thoáng đãng, có thể quan sát từ xa mà không bị che chắn bởi bất cứ tòa nhà cao tầng nào. Bước xuống xe, nhìn bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh với nụ cười hiền hậu nổi bật giữa nền trời cao xanh, lộng gió, trong tôi dâng lên một cảm xúc khó tả, đó là niềm tự hào dân tộc, là lòng kính yêu với Bác và cả sự biết ơn đối với những người bạn Nga đã dành cho Bác, cho dân tộc Việt Nam một vị trí xứng đáng, một tình cảm đẹp trong trái tim mình suốt nhiều thập kỷ qua, mặc cho những biến cố, thăng trầm của lịch sử.
Theo lời giới thiệu của cô Natalia, một người bạn Nga nhiệt tình, thân thiện, chúng tôi được biết, hiện ở Nga có nhiều địa phương, cơ quan, trường học xây dựng tượng đài, khu lưu niệm Hồ Chủ tịch, trong đó Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Matxcơva có quy mô lớn nhất. Bằng tình cảm đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt , sau ngày Bác mất, chính quyền Xô Viết đã có ý tưởng xây dựng khu Quảng trường mang tên Người đặt tại Thủ đô Matxcơva. Nhiệm vụ thiết kế, thi công xây dựng được giao cho họa sỹ nhân dân, Viện sỹ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Liên Xô (cũ) Vladimil Efimovich Tsigal-người rất nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc của nước Nga. Để sáng tạo tác phẩm, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, vượt cả nghìn km sang Việt tìm hiểu tư liệu về Bác, về lịch sử, văn hóa, con người Việt . Có thể nói cụm tượng đài nói chung và bức phù điêu Bác Hồ nói riêng là một công trình nghệ thuật hết sức độc đáo, mang ý nghĩa sâu xa, có sự hòa quyện giữa cái chung dân tộc với cái riêng vĩ đại mà giản dị của một vị lãnh tụ… Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, Quảng trường Hồ Chí Minh được khánh thành. Đó cũng là thời điểm đất nước bạn đang xảy ra những biến động về chính trị, ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của cộng đồng người Việt tại Nga, song Quảng trường Hồ Chí Minh giống như một địa chỉ đỏ, là điểm tựa tinh thần giúp họ xích lại gần nhau, vượt qua thời kỳ khó khăn, trụ vững trên nước bạn.
Điểm nhấn của tác phẩm là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười, được khắc nổi trên tấm đồng hình tròn có chiều cao 5m, dày 0,5m. Tấm đồng đó được hiểu là hình tượng mặt trời với những tia sáng chói lọi mà Bác Hồ và dân tộc Việt luôn khao khát hướng tới. Phía dưới tấm chân dung Bác là hình tượng người thanh niên Việt Nam trong tư thế ngẩng cao đầu, bật dậy một cách khỏe khoắn, bên cạnh là khóm tre-loại cây quen thuộc, biểu trưng cho sức mạnh, ý chí của người dân Việt Nam, rất mềm mại nhưng không dễ bị bẻ gẫy. Trụ đỡ cho bức phù điêu Bác Hồ chính là bệ đá hoa cương màu đỏ, với 8 bậc lượn tròn, tượng trưng cho đài sen 8 cánh, đó cũng là loài hoa được trồng rất nhiều ở các vùng quê Việt Nam, có vẻ đẹp thuần khiết, thanh tao, thơm dịu "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Mặt trước của bệ tượng đài là câu nói bất hủ của Bác "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" được tạc nổi bằng chữ Nga.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, quê ở Nghệ An sang Nga làm ăn đã hơn 2 chục năm cho biết: Mỗi dịp lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, gia đình anh và cộng đồng người Việt tại Nga thường tới đây dâng hoa tưởng niệm Bác. Cũng tại đây, nhiều câu chuyện về Bác, về lịch sử, văn hóa dân tộc đã được những thế hệ đi trước kể lại cho con cháu nghe, bồi đắp cho chúng niềm tự hào dân tộc, để chúng luôn nhớ về cội nguồn, quê hương, xứ sở của mình. Đây cũng là điểm đến không thể thiếu trong các chuyến thăm, làm việc tại Nga của các đoàn lãnh đạo cấp cao cũng như các đoàn du khách Việt . Anh Tuấn cho biết thêm, vì ở vị trí trung tâm, thuận về giao thông nên Quảng trường Hồ Chí Minh lúc nào cũng đông người qua lại, viếng thăm, trong đó có rất nhiều người dân Nga và khách du lịch quốc tế. Có lần tới đây anh đã bắt gặp người bạn Nga lớn tuổi, tay cầm đóa cẩm chướng đỏ, đứng rất lâu dưới chân tượng đài, mắt ngước nhìn tấm phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh với vẻ mặt rất thành kính, điều đó khiến anh thực sự xúc động.
Thời gian tới thăm Quảng trường Hồ Chí Minh của chúng tôi không nhiều, nhưng thực sự gây ấn tượng, bởi qua đó đã giúp tôi hiểu thêm về những người bạn Nga, về đất nước Nga. Chỉ có sự hiểu biết sâu sắc, tôn trọng và quý mến nhau mới có thể dành cho nhau sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đến thế. Nơi đây sẽ mãi là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị Việt-Nga.
Bài, ảnh: Hà Trang