Một Điện Biên lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu, chiến thắng quân sự lớn nhất của một nước thuộc địa với quân đội Liên hiệp Pháp, làm nên một trong những chiến thắng quan trọng nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, chấm dứt thời đại hơn 400 năm của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.
Đường về Điện Biên quanh co, uốn lượn. Phong cảnh hùng vĩ của các dãy núi cánh cung Tây Bắc càng làm cho chúng tôi cảm nhận thêm về tinh thần quả cảm, ý chí quật cường trong cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Dường như tiếng ầm ì của đoàn quân kéo pháo, tiếng cười rộn rã của dân công hỏa tuyến, của đồng bào các dân tộc Tây Bắc ngày nào chợt hiện về, câu thơ: Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ /Đèo Lũng Lô anh hò chị hát /Dù bom đạn xương tan, thịt nát /Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... của nhà thơ Tố Hữu làm chúng tôi xao xuyến khôn nguôi.
Đèo Pha Đin dài khoảng 32km, từ km số 360 đến km số 392 trên Quốc lộ 6, là nơi tiếp giáp theo hướng Đông - Tây giữa tỉnh Sơn La và Điện Biên, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn. Đèo Pha Đin là nơi gặp nhau giữa trời và đất, điểm cao nhất của đèo là 1.648 mét so với mực nước biển. Địa thế đèo rất hiểm trở, chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Độ dốc của đèo khoảng 10%, có chỗ 12% đến 15%. Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngòeo với 8 cung đường cua rất nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z, trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua.
Nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu di tích Mường Phăng
Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo lác đác những bản làng. Đứng trên dốc đèo nhìn về phía tỉnh Điện Biên thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Trong kháng chiến Pháp, đèo Pha Đin là một trong những tuyến huyết mạch quan trọng để tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đèo Pha Đin đã trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ, ý chí quả cảm của hơn 8.000 thanh niên xung phong "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Năm 1954, nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của Việt Minh, suốt 48 ngày đêm ròng rã, tướng Pháp Christian de Castries đã cho máy bay oanh tạc đường 6, trong đó đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi (thuộc huyện Mai Sơn, Sơn La) là hai nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống...
Điện Biên những ngày tháng ba này đẹp mê hồn bởi màu trắng hoa ban, màu đỏ của hoa gạo. Đất trời, lòng người khắp mọi miền của Tổ quốc và có khá nhiều khách châu Âu, đặc biệt là người Pháp như tụ hội về đây để thăm lại chiến trường xưa và để chứng kiến sự đổi thay của Điện Biên hôm nay.
Đoàn chúng tôi được các đồng nghiệp Báo Điện Biên dẫn đi tham quan di tích Mường Phăng, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, đồi A1, C1 ,C2, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, sân bay Mường Thanh, hầm Đờ Cát... Tại di tích Mường Phăng, trời nắng như đổ lửa. Mặc cho cái nóng oi ả, không một gợn gió, mồ hôi chảy dài trên những khuôn mặt của du khách, nhưng đoàn người vẫn lặng lẽ nối đuôi nhau thành hàng dài để đến thăm hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không chỉ có những cựu chiến binh mà rất đông các bạn trẻ, có những em còn rất nhỏ, nhiều cụ già yếu cũng cố đến bằng được. Trong đó, có cả những chiếc xe lăn do những người lính trẻ giúp đỡ, nối đuôi nhau thành hàng dài, âm thầm, lặng lẽ trong sự thành kính...
Lô cốt cây đa cụt trên đồi A1
Đến thăm đồi A1 - cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Đồi A1 nằm dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, A1 là ký hiệu mà quân đội Việt Nam đặt tên cho quả đồi. Bên cạnh Đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội ta. Một di tích quan trọng nữa là một cái hố hình phễu to bằng cái ao.
Đó là dấu tích khối bộc phá nghìn cân của quân ta khi chiếm lại đồi A1. Trên đồi A1, thật tình cờ chúng tôi gặp ông Pascal Dumontier, du khách người Pháp. Khi hỏi về mục đích chuyến thăm Điện Biên, ông cho biết: "ở Pháp, chúng tôi thường nghe rất đơn giản rằng, quân đội Pháp đã bị bẫy ở Điện Biên Phủ, nhưng tôi không hiểu ai đã tạo ra cái bẫy này và ai là người bị rơi vào chính cái bẫy ấy. Tôi đến đây để tìm hiểu về điều đó và bây giờ tôi đã hiểu vì sao"...
Kỳ 1:Theo dấu chân đoàn quân Tây Tiến
(Kỳ 4: Cái "bẫy" của người Pháp)
Bài, ảnh: Xuân Tứ