6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tiến hành tiêm phòng được 61.514 liều vắc xin lở mồm, long móng (LMLM) cho đàn trâu bò, lợn nái và lợn đực giống; 102.000 liều vắc xin lợn (dịch tả, tụ dấu, phó thương hàn) bằng 42,1% kế hoạch năm và bằng 25,5% so với cùng kỳ năm 2008; trên 30.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, đạt 80,1% kế hoạch năm, tăng 256,6% so với cung kỳ năm 2008…
Đồng chí Phạm Hồng Minh, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Gia Viễn cho biết: Thời gian trước đây, khi dịch cúm gia cầm phát triển mạnh, lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người thì người dân ai cũng sợ. Nếu có thông báo tiêm phòng là "răm rắp" thực hiện. Nhưng gần đây, khi dịch tạm lắng thì xuất hiện tâm lý chủ quan ở một bộ phận người dân, không quan tâm nhiều đến việc tiêm phòng, chống dịch bệnh.
Yếu tố phòng bệnh luôn đảm bảo cho trên 85% sự thành công của người chăn nuôi. Khi tỷ lệ tiêm phòng cao thì từ miễn dịch cá thể sẽ tạo nên miễn dịch khép kín trong quần thể với khả năng bảo hộ cao chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đa phần những hộ chăn nuôi quy mô lớn đều hiểu rõ được điều này và họ rất chú trọng đến việc tiêm phòng, còn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì ngược lại.
Bên cạnh sự chủ quan còn là tâm lý chờ đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Các loại vắc xin tiêm phòng được Nhà nước hỗ trợ thì tỷ lệ tiêm phòng cao hơn, còn nếu phải bỏ tiền ra thì công tác tiêm phòng gần như bỏ ngỏ. Ví như tháng 4 năm 2008, ở Yên Mô xảy ra dịch lợn tai xanh, huyện đã bỏ tiền ra hỗ trợ tiêm 50 nghìn liều vắc xin cho lợn, nên tỷ lệ tiêm phòng rất cao; nhưng đến năm 2009, khi không còn sự hỗ trợ nữa thì tỷ lệ tiêm phòng chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm 2008. Việc tiêm cho một con trâu, con bò chỉ tốn vài nghìn đồng nhưng một con trâu, con bò chết đi người dân sẽ mất đi vài triệu đồng nhưng họ vẫn "tiếc" không tiêm.
Tỷ lệ tiêm phòng chưa cao một phần còn do hệ thống thú y cơ sở còn mỏng và yếu. Hiện nay toàn tỉnh có 637 người hành nghề thú y, trong đó chỉ có 147 nhân viên thú y xã, phường, còn lại là những người hành nghề tự do (làm dịch vụ chữa bệnh, tiêm phòng theo sự thỏa thuận với người chăn nuôi). Với số lượng cán bộ ít phải phụ trách số lượng gia súc, gia cầm không phải là nhỏ: gần 62 nghìn con trâu, bò, trên 377 nghìn con lợn và trên 3 triệu con gia cầm…
Thiết nghĩ, để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, thực hiện phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, góp phần phát triển chăn nuôi, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền để bà con hiểu rõ tác dụng của việc tiêm phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó việc giao trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm đến tận cấp xã và xã nào để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm là điều cần thiết.
Với các hộ cố tình không tiêm phòng thì nên có biện pháp xử phạt cảnh cáo, phê bình trên đài truyền thanh các cấp. Đồng thời cũng cần xem xét kinh phí hỗ trợ cán bộ thý y cấp xã hoạt động theo tinh thần của Công văn số 1569/TTg của Thủ tướng Chính phủ (hỗ trợ mức lương cho nhân viên thú y cấp xã hệ số 01 so với mức lương tối thiểu) để họ có thể yên tâm gắn bó với công việc.
Chỉ còn 1 tháng nữa là bước vào vụ tiêm phòng thu - đông, vì vậy các cấp chính quyền cũng như ngành chức năng cần sớm khắc phục những tồn tại trên, đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch tiêm phòng đã đề ra, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Nguyễn Lựu