Với hơn 3 nghìn nạn nhân đã được hưởng trợ cấp và dự kiến còn khoảng trên 8 nghìn người cần được kê khai tiếp, tỉnh ta hiện có số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin khá đông. Việc hỗ trợ của các cấp, các ngành diễn ra thường xuyên nhưng cũng chỉ có thể giúp giải quyết phần nào những khó khăn cho các đối tượng này. Bởi vậy, trên thực tế đã xuất hiện nhiều suy nghĩ tích cực từ chính các nạn nhân: mong muốn được tạo điều kiện tự mình phát triển kinh tế (phù hợp với khả năng của bản thân và gia đình) để góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
Trong quá trình giúp nạn nhân chất độc da cam hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, điều đầu tiên mà các cấp chính quyền quan tâm đó là giúp họ có được những mái nhà che nắng che mưa, bởi lẽ có an cư mới lạc nghiệp. Ông Vũ Quang Tụ, một nạn nhân chất độc da cam ở thôn Đào Công, xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình), phấn khởi cho biết: Cuộc sống của gia đình tôi đã có nhiều đổi thay sau khi được thành phố và bà con hàng xóm giúp đỡ xây dựng ngôi nhà mới, đó cũng là động lực giúp chúng tôi có thêm quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế. Còn nhớ cách đây không lâu gia đình ông Tụ (gồm có 6 người), trong đó có 2 người con bị ảnh hưởng của chất độc da cam vẫn phải sống trong căn nhà cấp 4 cũ, vào mùa mưa bão dù có cố gắng che chắn thế nào cũng không thoát khỏi cảnh dột nát. Ông Tụ tâm sự: Đã từng là một người lính vào sinh ra tử ở chiến trường nên mọi khó khăn tôi đều có thể chịu đựng được, nhưng nhìn cảnh mấy đứa trẻ sợ hãi, gào thét mỗi lần mưa bão ập xuống, chỉ ước sao có một mái nhà ấm áp cho các con. Đã gần 30 tuổi nhưng 2 con của ông chưa từng một lần được đến trường học bởi chúng không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Ngay từ lúc mới chào đời, 2 số phận nhỏ bé ấy đã mang di chứng của chiến tranh, thậm chí chúng còn không nhận thức được sự tồn tại của bản thân. Cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình ông Tụ, bà con trong thôn xóm đã bình xét, ủng hộ cho gia đình ông được hỗ trợ xây nhà mới. Với 20 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố, hàng trăm ngày công của hàng xóm láng giềng và số tiền vay mượn từ anh em họ hàng, ông Tụ đã có được ngôi nhà khang trang với diện tích 62 m2, có đầy đủ các điều kiện sinh hoạt cần thiết để chăm sóc các con. Hiện nay, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Tụ đang ấp ủ dự định vay vốn xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp tại gia đình để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Ông cho rằng còn chút sức lực thì còn cố gắng chứ không thể chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của mọi người.
Cô giáo Lan Hương, Trường Tiểu học Gia Lâm (Nho Quan)
dạy chữ cho em Đinh Văn Cao, nạn nhân chất độc da cam.
Từ năm 2006 đến nay, thông qua tổ chức Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin, các tập thể, cá nhân đã đóng góp ủng hộ 1.140 triệu đồng (riêng năm 2008 là 365 triệu đồng). Số tiền đó được dùng để giúp 81 nạn nhân xây, sửa chữa nhà dột nát có tổng trị giá 718 triệu đồng, cấp vốn sản xuất cho 90 nạn nhân với tổng giá trị 51 triệu đồng và ủng hộ nạn nhân gặp khó khăn ở vùng lũ Nho Quan, Gia Viễn 105 triệu đồng… Gần đây nhất, một số đơn vị của Binh Đoàn Quyết Thắng đã hỗ trợ xây nhà cho 2 nạn nhân ở xã Yên Đồng (Yên Mô) và xã Thạch Bình (Nho Quan). Ngoài ra, việc thăm hỏi gia đình nạn nhân vào các dịp lễ, Tết được thực hiện đầy đủ đã góp phần động viên tinh thần cho những người có hoàn cảnh khó khăn nêu trên.
Một tín hiệu vui dành cho các nạn nhân ở thành phố Ninh Bình và các địa phương lân cận khi dự án "Xây dựng trang trại xanh, ươm trồng và sản xuất hoa phong lan" với quy mô hơn 3 nghìn m2 của Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin thành phố Ninh Bình được phê duyệt. Chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án, Thành hội đã tổ chức lớp tập huấn cho 60 hội viên trong thời gian 17 ngày với nội dung hướng dẫn kỹ thuật ươm trồng hoa lan, hoa ly và sản xuất rau mầm. Nhìn thấy tiềm năng cũng như ý nghĩa nhân đạo của dự án, nhiều công ty đã tham gia giúp đỡ, riêng quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam hỗ trợ 220 triệu đồng kinh phí dạy nghề. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Ninh Bình cho biết: Dự án được xuất phát từ mong muốn của đa số hội viên đó là phát huy tinh thần "tự lực cánh sinh", thông qua lao động góp phần đem lại giá trị vật chất không nhỏ cho xã hội, tạo việc làm cho đối tượng chính sách, giúp hội có thêm nguồn kinh phí hoạt động… Dự kiến, mô hình này sẽ thu được hàng tỷ đồng tiền lãi mỗi năm.
Duy Hiền