P.V: Xin đồng chí cho biết, những kết quả nổi bật của công tác gia đình ở tỉnh Ninh Bình những năm qua? Đồng chí Lâm Quang Nghĩa: Quán triệt sâu sắc quan điểm: "Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại" và "Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững", những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh ưu tiên đầu tư, bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình.
Các cơ quan, đoàn thể đã tích cực tham gia công tác gia đình và xây dựng gia đình văn hóa, thông qua các hoạt động phối hợp, ký kết liên ngành. Các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình: "Phát triển gia đình bền vững", "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; "Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch"; "Cựu chiến binh gương mẫu"; "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi"; "Thanh niên 5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"; "Sạch nhà, đẹp phố, làng bản an toàn", "Xây dựng thôn, tổ dân phố không có ma túy, mại dâm"; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dân số - KHHGĐ…
Nhờ đó, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên, năm 2012 toàn tỉnh có 210.682/257.504 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (81,8%). Các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, các chỉ tiêu phấn đấu: Phát triển giáo dục, giảm hộ nghèo, công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện… có bước chuyển biến rõ nét, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, công tác gia đình trên địa bàn vẫn bộc lộ một số tồn tại như: Việc quán triệt thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các chính sách đối với gia đình và công tác gia đình có nơi chưa được thường xuyên. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao tự do cá nhân…đã tác động tiêu cực đến giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong đời sống gia đình. Đặc biệt là tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra…
PV: Để góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tỉnh đã quan tâm và thực hiện các giải pháp gì thưa đồng chí?
Đồng chí Lâm Quang Nghĩa: Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức tập huấn cho 290 người là lãnh đạo UBND, cán bộ văn hóa của 8/8 huyện, thành phố, thị xã và 146/146 xã, phường trên địa bàn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phát hành 75.000 tờ rơi, 15 bộ tài liệu, in ấn, cấp phát trên 600 panô… Toàn tỉnh cũng tổ chức 18 lớp tập huấn cho trên 1.200 lượt cán bộ làm công tác hòa giải của 146/146 xã, thị trấn; 135 buổi tư vấn, nói chuyện chuyên đề về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), trên 35.000 buổi sinh hoạt lồng ghép tuyên truyền, tư vấn giáo dục đời sống gia đình…
Nội dung phòng, chống bạo lực gia đình còn được cụ thể hóa, lồng ghép vào các hoạt động của phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào xây dựng "Nông thôn mới" và "Xây dựng văn minh đô thị".
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 126 CLB gia đình trẻ của Đoàn thanh niên, 351 CLB của Hội Liên hiệp phụ nữ, 225 CLB của Hội Nông dân, 145 CLB lồng ghép dân số với phát triển gia đình bền vững hoạt động hiệu quả. Qua đó, nâng cao nhận thức các thành viên trong CLB và cộng đồng về vai trò, vị trí và trách nhiệm của cá nhân trong xây dựng gia đình phát triển bền vững. Cùng với đó, chúng tôi đã triển khai lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ ở 1.670 tổ hòa giải ở cộng đồng dân cư, thành lập trên 600 nhóm phòng, chống BLGĐ, 264 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 171 cơ sở tư vấn phòng, chống BLGĐ, xây dựng được 322 CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững.
Cùng với Hội Phụ nữ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thí điểm chương trình "phòng, chống bạo lực gia đình" ở các xã, thị trấn thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn. Theo đó, ở những địa phương này đã thành lập một số câu lạc bộ như: CLB làm chồng, làm cha, CLB học Luật Bình đẳng giới… Hoạt động của các CLB này rất phong phú, tập trung hướng dẫn các thành viên về kỹ năng sống trong gia đình. Tương tự như nam giới, phụ nữ cũng được tham gia vào câu lạc bộ làm vợ, làm mẹ. Tại đây, phụ nữ sẽ được hướng dẫn về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức nuôi dạy con cái, phương pháp đối nhân xử thế, kiến thức làm kinh tế…
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, từ năm 2008-2012, toàn tỉnh đã hòa giải được trên 1.000 vụ xích mích, mâu thuẫn trong gia đình; hòa giải thành công 152 cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn trở về đoàn tụ; tòa án nhân dân các cấp trong tỉnh đưa ra xét xử 141 vụ gây bạo lực gia đình; 455 nạn nhân bị bạo hành được tiếp nhận, chăm sóc tại các cơ sở y tế, 404 nạn nhân bị bạo hành và gần 500 người gây bạo hành được tư vấn…
P.V: Ngày 19-2-2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy năm 2013 là năm Gia đình Việt Nam. Để năm Gia đình Việt Nam và công tác gia đình của Ninh Bình những năm tiếp theo đạt kết quả tích cực, thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp gì?
Đ/c Lâm Quang Nghĩa: Tỉnh ta đã và đang tổ chức các hoạt động hưởng ứng năm Gia đình Việt Nam - 2013 và ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cấp, các ngành, hướng dẫn cơ sở thực hiện các nội dung trọng tâm như: Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về gia đình. Tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, an sinh xã hội ở vùng nông thôn, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa...
Thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình và tạo điều kiện để các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình can thiệp, giảm tình trạng bạo lực gia đình ở địa bàn dân cư; thực hiện có hiệu quả Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, giai đoạn 2010-2020; tổ chức các chiến dịch truyền thông trọng điểm, tập trung vào dịp ngày Gia đình Việt Nam (28-6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11)...
Nhưng quan trọng hơn cả là mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy tích cực hưởng ứng năm Gia đình Việt Nam bằng những hành động cụ thể, thiết thực, để ngọn lửa yêu thương luôn sưởi ấm mỗi gia đình.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thu Hằng (Thực hiện)