Được ông trưởng thôn dẫn đường, chúng tôi tới thăm xưởng mộc của gia đình anh Đàm Văn Thảo. Vốn con nhà "nòi", nên anh Thảo biết nghề từ rất sớm. Lớn lên, anh quyết tâm theo đuổi nghề với ước mong làm giàu cho gia đình. Ban đầu, anh đi làm thuê cho các chủ sản xuất kinh doanh nghề mộc. Sau một thời gian, có vốn và kinh nghiệm tích lũy được, anh Thảo mạnh dạn vay vốn đầu tư mở xưởng sản xuất đồ mộc. Những sản phẩm anh nhận làm cho khách bao giờ cũng bảo đảm yêu cầu, chất lượng, giá cả phù hợp nên mọi người quanh vùng tìm đến đặt hàng ngày một nhiều. Anh Thảo luôn tìm cách cải tiến mẫu mã làm cho sản phẩm đẹp hơn. Tiền thu nhập hàng tháng, anh cân đối chi tiêu hợp lý, dành phần lớn đầu tư mở rộng sản xuất. Bây giờ cơ ngơi của gia đình anh đã kha khá với tổng số vốn đầu tư hơn 300 triệu đồng gồm: máy móc, nhà xưởng sản xuất đồ mộc. Sản xuất phát triển, anh Thảo luôn bảo đảm việc làm thường xuyên 4 đến 5 lao động. Những lao động làm ở xưởng mộc của anh được trả công mỗi tháng từ 1,5 triệu 2 triệu đồng/người... Năm 1997 mới chỉ có một vài gia đình làm nghề, đến nay Quỳnh Phong đã có hơn 300 hộ làm nghề mộc. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các cơ sở làm mộc còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương lúc nông nhàn. Đến đầu những năm 2000, Quỳnh Phong đã là làng nghề có tiếng của tỉnh và được công nhận là làng nghề cấp tỉnh năm 2007. Quỳnh Phong được nâng cấp đường điện, tiếp cận với nguồn vốn vay… để có điều kiện phát triển sản xuất.
Người dân Quỳnh Phong hiểu rằng, để sản phẩm đồ gỗ của họ vươn xa, cạnh tranh được với những làng nghề mộc có truyền thống cả mấy trăm năm thì "cái tiếng", tức là thương hiệu rất quan trọng. Mà với một làng nghề thì thương hiệu phải do cả làng chứ một vài cá nhân không xây nên được. Vì vậy, những người dân Quỳnh Phong không chỉ hỗ trợ nhau trong sản xuất mà họ còn cam kết với nhau không làm hàng xấu, hàng giả, không bán phá giá. Chính vì làm ăn có uy tín nên Quỳnh Phong mở rộng và phát triển thêm nhiều xưởng mới.
Tuy nhiên, cũng giống như bao làng nghề khác, Quỳnh Phong đang đứng trước những khó khăn cố hữu của ngành nghề nông thôn, đó là tai nạn lao động. Bên cạnh những rủi ro làm việc với máy móc, người thợ và cả người dân ở các làng nghề còn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm bụi gỗ, hóa chất phun sơn, tiếng ồn từ máy cưa, xẻ, bào...
Ông Phạm Tiến Dũng, phó chủ tịch UBND xã cho biết: Mong muốn của chính quyền và các cơ sở làm mộc ở Quỳnh Phong là được huyện quy hoạch cho một khu đất riêng để sản xuất, tách khỏi nơi sinh hoạt của dân cư. Nếu được quan tâm, tạo điều kiện về mặt bằng để phát triển sản xuất, chúng tôi tin rằng làng nghề mộc Quỳnh Phong sẽ phát triển bền vững.
Nguyễn Hùng