Ông Phạm Ngọc Văn, Trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có tổng số 225 lễ hội dân gian. Trong đó có 9 lễ hội đã bị mai một hoặc bị gián đoạn, 216 lễ hội được tổ chức thường xuyên, định kỳ; 184 lễ hội thực hiện cả phần lễ và phần hội, 32 lễ hội chỉ thực hiện nghi thức tế lễ, không tổ chức phần hội. Hầu hết các lễ hội diễn ra tập trung trong thời gian từ đầu tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch, với 158 lễ hội. Trong tỉnh có 1 lễ hội do cấp tỉnh tổ chức; 1 lễ hội do cấp huyện tổ chức; 17 lễ hội do cấp xã tổ chức; 189 lễ hội do cấp thôn tổ chức; 8 lễ hội do Ban quản lý di tích hoặc doanh nghiệp tổ chức.
Mùa lễ hội năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động lễ hội đảm bảo trang nghiêm và an toàn, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Trong các lễ hội nghi thức phần lễ được thực hiện đảm bảo trang nghiêm, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, với sự đa dạng, phong phú về loại hình, gắn với đặc trưng vùng miền, tạo nên không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được chính quyền địa phương nơi tổ chức lễ hội đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm. Đặc biệt đối với một số lễ hội thu hút số lượng lớn người dân tham gia, các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng công tác chỉ đạo và có các phương án cụ thể để tổ chức thực hiện và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Ngành công an đã tổ chức thực hiện tốt các Phương án đảm bảo ANTT khu vực chùa Bái Đính; Phương án đảm bảo ANTT khu du lịch sinh thái Tràng An và khu di tích Cố đô - Hoa Lư; Phương án phòng, chống cháy nổ; Phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông (đường thủy và đường bộ). Riêng tại khu vực Bái Đính, Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Công an tỉnh đã huy động hơn 500 lượt cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong mùa lễ hội. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương bố trí lực lượng để ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng ăn xin đeo bám, chèo kéo gây bức xúc, phản cảm cho du khách, làm ảnh hưởng xấu đến lễ hội và các khu, điểm du lịch. Ban tổ chức lễ hội chú trọng đến việc sắp xếp và quy hoạch khu vực kinh doanh, dịch vụ tại di tích, lễ hội đảm bảo khoa học, mỹ quan, không gây cản trở, ùn tắc giao thông, quản lý chặt chẽ chất lượng, giá cả hàng hóa và dịch vụ…
Tiêu biểu như Lễ hội Chùa Bái Đính, khai mạc vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán hàng năm, là lễ hội thu hút một lượng lớn khách tham quan kéo dài trong ba tháng mùa xuân. Mùa lễ hội năm 2017, Ban quản lý Chùa Bái Đính đã chỉnh trang lại khu bến xe, quy hoạch, xây dựng mới gần 100 ki-ốt bán hàng khang trang, an toàn; Người làm dịch vụ bán hàng, chụp ảnh, xe ôm đều đeo phù hiệu để thuận tiện cho việc quản lý, ngăn chặn triệt để tình trạng chèn ép, chèo kéo khách, bán hàng giả, hàng kém chất lượng; Lắp đặt khoảng hơn 80 camera để theo dõi, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; Bố trí lực lượng thu gom lễ vật, tiền lễ, tiền giọt dầu để không đúng nơi quy định kịp thời, đảm bảo tính tôn nghiêm nơi thờ tự và thu gom rác thải giữ gìn vệ sinh môi trường; Sử dụng hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, nhắc nhở du khách không cài giắt tiền vào đồ lễ, tượng phật cũng như các đồ thờ tự khác, không thả tiền xuống giếng, không sờ lên tượng phật dưới mọi hình thức; Nhắc nhở những việc nên làm và không nên làm khi tham quan nơi thờ tự và tham gia lễ hội…
Lễ hội Hoa Lư năm 2017 được tổ chức bài bản, đúng quy định, đảm bảo trang nghiêm, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tín ngưỡng linh thiêng. Mặc dù lễ hội diễn ra trong thời gian dài, cả ngày, đêm, thu hút trên 100 nghìn khách và nhân dân về tham quan, chiêm bái, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tuyệt đối được đảm bảo. Không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, các vụ phạm pháp hình sự, phức tạp về an ninh trật tự, ùn tắc giao thông; đặc biệt không xảy ra các hành vi trộm cắp tài sản, cướp giật, cố ý gây thương tích và đã giảm cơ bản tình trạng lộn xộn, chèo kéo khách hàng; nạn ăn mày, ăn xin được giải quyết. Đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị để bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường: bố trí, sắp xếp, quản lý bãi đỗ xe hợp lý; bố trí nơi bán hàng và dịch vụ bảo đảm thống nhất; thành lập các tổ tự quản, vận động các thành viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và địa phương về đảm bảo giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; có thái độ lịch sự khi tiếp xúc với khách hàng; bổ sung thêm các thùng rác, các công trình vệ sinh công cộng phục vụ du khách; hướng dẫn du khách bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý rác thải kịp thời trước, trong và sau lễ hội.
Với việc quản lý và tổ chức tốt các lễ hội trên địa bàn, năm 2017, Ninh Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng, đánh giá là tỉnh làm tốt công tác quản lý lễ hội, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, phản cảm.
Năm 2018, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác tổ chức lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đặc biệt lễ hội dịp Xuân Mậu Tuất và chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018), ngày 23/1/2018, UBND tỉnh đã có công văn gửi các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2018. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao cũng có văn bản chỉ đạo các phòng Văn hóa thông tin huyện, thành phố; các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các văn bản quản lý và hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Đảng và chính quyền các cấp, các ngành. Chỉ đạo tổ chức lễ hội đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 15, ngày 22/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, tổ chức các lễ hội đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, trang nghiêm, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phù hợp với phong tục, tập quán dân tộc. Hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí trong lễ hội phải đúng quy định của pháp luật và mang tính giáo dục, phù hợp với lối sống, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Mỹ Hạnh